Nghịch lý: 2 năm Covid, các ngân hàng lãi lớn trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh thua lỗ

(CL&CS) – Trong khi rất nhiều ngành nghề kinh doanh đình trệ, thua lỗ lớn, thì một nghịch lý là các ngân hàng lại báo lãi to, tăng trưởng mạnh so với trước Covid.

Năm 2020 và 2021 được gọi với một cái tên không mấy vui vẻ là “năm Covid” với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, những đợt bùng phát mạnh, những đợt giãn cách xã hội, đóng cửa các hoạt động kinh doanh… Rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đã gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ lớn trong 2 năm covid vừa qua.

Thế nhưng một nghịch lý là, ngân hàng – ngành nghề “buôn tiền” – lại báo lãi lớn, thậm chí tăng trưởng mạnh so với những năm trước dịch? Nguyên nhân do đâu?

Có 6 ngân hàng báo lãi hàng chục nghìn tỷ đồng năm 2021

TOP 6 ngân hàng lãi lớn nhất, với số lãi sau thuế tính bằng chục nghìn tỷ thì có Vietcombank, có Techcombank, có Vietinbank, có MBBank, có VPBank và BIDV. Trong đó Vietcombank báo lãi lớn nhất hơn 21.900 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2020 và tăng khoảng 3.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với năm 2019 – năm trước Covid.

Techcombank báo lãi sau thuế năm 2021 tăng đến 46,3% so với năm 2020, lên trên 18.400 tỷ đồng và tăng hơn 8.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với năm 2019.

Ngân hàng thuộc TOP 3 về lãi sau thuế năm 2021 là Vietinbank với số lãi hơn 14.200 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021 và tăng gấp rưỡi so với năm 2019 – năm trước Covid.

Các ngân hàng đang “hút” tiền của dân để đầu tư chứng khoán, BĐS

Báo cáo tài chính năm 2021 của Ngân hàng Hàng hải MBS ghi nhận tổng tiền huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trong năm 2021 đạt hơn 94.600 tỷ đồng, trong đó huy động tiền gửi cá nhân đạt gần 46.800 tỷ đồng. MSB cũng thực hiện huy động tiền thông qua phát hành giấy tờ có giá tổng hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó phát hành trái phiếu thưởng (gần 8.400 tỷ đông và phát hành chứng chỉ tiền gửi (hơn 4.600 tỷ đồng).

Còn tổng cho vay khách hàng năm 2021 của MSB đạt hơn 101,5 nghìn tỷ đồng, trong đó chovay cá nhân chỉ hơn 26,5 nghìn tỷ đồng. Phần lớn khoán cho vay đổ vào nhóm ngành xây dựng (gần 14.200 tỷ đồng), nhóm ngành kinh doanh bất động sản (hơn 12.100 tỷ đồng, nhóm ngành hoạt động tài chính chứng khoán hơn 2.800 tỷ đồng. MSB còn cho vay nhóm sản xuất vật liệu xây dựng, thép, phôi thép, inox và luyện kim gần 800 tỷ đồng.

MSB cũng ghi nhận năm 2021 vừa qua ngân hàng nhận thế chấp với giá trị tài sản đảm bảo gần 347.600 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị bất động sản và động sản thế chấp tăng gần gấp rưỡi lên gần 117.800 tỷ đồng. Các giấy tờ có giá đạt gần 43.500 tỷ đồng.

Sacombank có dư nợ cho vay đến 31/12/2021 gần 388.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ có khả năng mất vốn hơn 4.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của Sacombank trên 227.500 tỷ đồng, chiếm gần 59% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Về lĩnh vực cho vay, Sacombank đổ tiền vào nhóm xây dựng gần 20.400 tỷ đồng; nhóm ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm gần 5.400 tỷ đồng.

Về mặt huy động tiền, năm 2021 Sacombank là một trong những ngân hàng “hút” vốn tiền gửi cá nhân khá lớn, đạt 343.300 tỷ đồng, nâng tổng tiền gửi của các cá nhân, tổ chức kinh tế vào ngân hàng cả năm lên gần 427.400 tỷ đồng. Sacombank cũng huy động tiền qua kênh phát hành các giấy tờ có giá với tổng giá trị phát hành trong năm lên 21.100 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2020.

Sacombank cũng dành lượng lớn tiền để “đi buôn” chứng khoán, tráo phiếu các loại. Tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của đơn vị đạt hơn 34.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư chứng khoán vốn do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành gần 5.600 tỷ đồng. Tổng giá trị chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt hơn 35.600 tỷ đồng trong đó có số trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trị giá hơn 23.700 tỷ đồng.

Techcombank ghi nhận tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế, cá nhân hơn tăng 13,4% so với năm 2020, đạt trên 314.700 tỷ đồng. Trong số đó, tiền gửi của các cá nhân chiếm khoảng 70% lên 220 tỷ đồng. Còn tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2021 hơn 347.300 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực xây dựng hơn 13.000 tỷ đồng và cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản gần 96.000 tỷ đồng.

VPB có dư nợ cho vay khách hàng tổng cộng gần 355.300 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực xây dựng 26.500 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh bất động sản 42.500 tỷ đồng. Tổng giá trị chứng khoán đầu tư đến 31/12/2021 hơn 76.000 tỷ đồng trong đó chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành gần 27.800 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương 29.800 tỷ đồng; chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành hơn 17.600 tỷ đồng.

Còn OCB cho vay khách hàng tổng hơn 102.000 tỷ đồng, trong đó cho vay trong lĩnh vực xây dựng hơn 9.400 tỷ đồng, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản hơn 9.100 tỷ đồng, cho vay cho các hoạt động tài chínhm ngân hàng và bảo hiểm 6.000 tỷ đồng.

Nghịch lý khi ngân hàng “bơm tiền” vào chứng khoán, BĐS đều có lãi mà nhà đầu tư lại lỗ

Ngân hàng Công thương Vietinbank huy động được hơn 1,16 triệu tỷ đồng tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân. Và cũng đổ hơn 1,13 triệu tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân vay, trong đó cho vay trong lĩnh vực xây dựng 91.200 tỷ đồng. ACB cho vay 362.000 tỷ đồng trong năm 2021, trong đó cho vay lĩnh vực xây dựng hơn 16.100 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gần 5.400 tỷ đồng.

HDBank huy động được gần 183.300 tỷ đồng tiền gửi trong năm, trong đó huy động từ tiền gửi cá nhân hơn 96.700 tỷ đồng. Còn tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2021 hơn 203.200 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay bất động sản hơn 18.900 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng hơn 13.000 tỷ đồng.

Hầu hết các ngân hàng trong năm 2020 và năm 2021 đều kinh doanh có lãi, kinh doanh có lãi, thậm chí lãi lớn hơn trước thời kỳ covid. Các ngần hàng cũng “tung” nhiều ưu đãi để “hút” dòng tiền từ các nhà dân rồi đổ trở lại đầu tư vào nhóm ngành bất động sản, chứng khoán, trái phiếu… và lãi lớn.

Chính nguồn tiền lớn đổ vào thị trường bất động sản đã khiến giá bất động sản các nơi tăng cao, đang dần tạo ra những “bong bóng” bất động sản. Cũng từ đây các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục huy động vốn qua các kênh, và phát hành trái phiếu, cổ phiếu là một trong những hình thức đó. Do vậy không quá ngạc nhiên khi thị trường bất động sản, chứng khoán bị đẩy lên, thì các đợt phát hành ngày càng tăng.

Và hậu quả do người dân gánh

Khi bong bóng quá căng, chỉ một “điểm chạm” là có thể rất dễ vỡ. Sau vụ Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu với hơn 10.000 tỷ đồng, thì hàng loạt các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản lại bị “soi” đến những đợt phát hành trái phiếu khủng. Nhà đầu tư bất ngờ với lượng thông tin đến dồn dập. Bất ngờ hơn nữa khi hàng loạt các doanh nghiệp dùng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành. Cũng từ đây, nhiều vấn đề phát sinh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có đợt “lao dốc” không phanh, chỉ số VnIndex từ trên 1.500 điểm xuống dưới 1.200 điểm với hàng loạt các mã chứng khoán mất đi khoảng 50% giá trị. Cùng với đó, các tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trái phiếu là các cổ phiếu lại giảm mạnh, nguy cơ các doanh nghiệp phải bổ sung lượng lớn tài sản là rất cao. Thậm chí nhiều doanh nghiệp bắt đầu rơi thế bế tắc, thậm chí vỡ nợ trái phiếu, bị các ngân hàng, công ty chứng khoán bán giải chấp tài sản đảm bảo để trả bớt khoản vay.

Chính những “cú hích” đó khiến giá cổ phiếu giảm mạnh, khiến thị trường trái phiếu lao đao, và và các chính sách siết chặt cho vay bất động sản lại quay lại là “con dao” đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào thế khó.

Với các thống kê về con số trái phiếu phát hành trong năm 2021, thì việc các công ty chứng khoán, ngân hàng bán giải chấp các cổ phiếu cầm cố làm tài sản đảm bảo sẽ còn tiếp diễn, và hệ luỵ là nguồn cung cổ phiếu lớn, giá cổ phiếu giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư.