Theo số liệu từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM, hiện nay nhu cầu tiêu dùng nội thất trên thế giới lên đến 450 tỷ USD/năm. Người dùng xem nội thất là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền đời sống sinh hoạt. Kết thúc năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,37 tỷ USD và các tổ chức đầu ngành còn kỳ vọng con số này vẫn sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp với hơn 1.000 nhân lực, Công ty Lâm Việt đạt doanh thu 33 triệu USD trong năm 2020 và đạt mức tăng trưởng 2 con số. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Công ty Lâm Việt cho biết, trong chiến lược phát triển của mình đơn vị đã chuẩn bị mở rộng quỹ đất để xây dựng nhà máy mới, không đầu tư theo dạng cuốn chiếu, đơn hàng tới đâu đầu tư tới đó.
"Bí quyết của Lâm Việt không chỉ nằm ở chỗ chọn mã hàng hay ứng dụng công nghệ mới mà còn do chúng tôi triển khai mô hình liên kết chuỗi, cách làm mà trước đây rất ít doanh nghiệp làm được", ông Liêm nói.
Hiện nay ngành gỗ càng có cơ sở để lạc quan hơn khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu tham gia và chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty Minh Thành cho biết, một trong những bí quyết thành công của các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) là họ chuyên đầu tư quy mô lớn nhưng chỉ tập trung vào thứ họ giỏi nhất. Phần còn lại sẽ được tổ chức theo từng thành phần, doanh nghiệp sẽ tập trung kiểm soát chất lượng thay vì đầu tư hết vào các bộ phận trong sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã chú ý và đưa lên hàng đầu vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Đồng thời các doanh nghiệp gỗ Việt hiện nay cũng đã và đang đón nhận các ưu đãi và tận dụng lợi thế từ các FTA (Hiệp định thương mại tự do).
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố trong báo cáo Thông tin thị trường nông sản tháng 1/2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong số lĩnh vực thành công ước tính đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhiều tín hiệu tích cực để ngành đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trên 14 tỷ USD cho năm 2021.