Ngành điều Việt Nam được cho là khó dự báo trong thời gian tới. Ảnh: Minh họa |
Sau giai đoạn khủng hoảng về nguyên liệu sản xuất, 2019 có thể xem là năm bản lề của ngành điều khi các vấn đề về thiếu nguyên liệu, giá nhập khẩu nguyên liệu cao, các tranh chấp thương mại trong xuất - nhập khẩu với các doanh nghiệp quốc tế đã phần nào được giải quyết.
Những thành công ngành điều năm 2019
Tính hết tháng 11/2019, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 418 ngàn tấn nhân điều các loại, tăng gần 16,5% về sản lượng xuất khẩu so với năm ngoái. Dự kiến kết thúc năm 2019 sẽ xuất trên 450 ngàn tấn điều nhân vượt kế hoach với giá xuất trung bình 7.850 đô la/tấn. Thị trường xuất chính vẫn là Mỹ chiếm 30%, TQ chiếm 14%, còn lại là các thị trường khác. Bên canh đó, ngành điều cũng nhập khẩu trên 1,5 triệu tấn điều thô với giá nhập thấp, trung bình chỉ 1.330 đô la/tấn, giảm trên 29% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Bờ Biển Ngà là nước cung cấp sản lượng điều thô lớn nhất cho Việt Nam chiếm 32%, tiếp theo là Campuchia: 11%, phần còn lại còn lại là Tanzania và các nước khác.
Ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) phấn khởi cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ đô la cho tất cả các sản phẩm từ điều trong năm 2019. Đây được xem là kỷ lục về giá trị xuất khẩu. Chúng ta cũng thực hiện thương vụ nhập khẩu điều thô lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới với Tanzania, đạt 176 ngàn tấn. Việc này giúp chúng ta điều tiết được nguồn cung điều thô, chủ động nguồn nguyên liệu chế biến và vượt chi tiêu đề ra”.
Việt Nam cũng đã lần đầu tiên có bộ tiêu chuẩn hạt điều thô, gọi tắt là TCVN 12380 - 2018. Đây là bộ tiêu chuẩn quan trong trong việc kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng nguyên liệu điều thô nhập khẩu, nâng tâm thương hiệu của ngành điều Việt Nam. Hiện tại, ngành điều đang tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn hạt điều nhân. Với việc hòa giải 4 tranh chấp thương mai có giá trị lớn liên quan tới các tập đoàn trên thế giới, hội đồng hòa giải của Vinacas đang hoạt động rất hiệu quả. Điều này giúp góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp điều trong nước. Ngành điều cũng tổ chức thành công hội nghị điều quốc tế tại Việt Nam. Qua đó, các doanh nghiệp điều trong nước có điều kiện tiếp tục ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác quốc tế với hiệp hội điều các nước Mỹ, Bờ Biển Ngà, Mozambique, Ấn Độ...
Bà Bùi Thị Thanh An – Phó cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, các hiệp định tự do CPTPP, EVFTA góp phần tạo ra hành lang pháp lý mở ra các thị trường rộng lớn cho việc sản xuất và nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ các ưu đãi mà các hiệp định tự do mang lại như về thuế, nguyên liệu nhập, chuyển giao công nghệ, Vinacas sẽ gặp thuận lợi trong sản xuất.
Khó dự báo thị trường năm 2020
Theo ông Nguyễn Đức Thanh – nguyên Chủ tịch Vinacas kiêm Tổng giám đốc Tanimex–LA, nhu cầu các loại hạt ăn được trên thế giới đang cho thấy nhiều vấn đề chưa rõ ràng về cung – cầu. Những năm về trước, theo nhận định của các nhà kinh tế, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều tăng cao khiến gảy ra cuộc chiến giành nguyên liệu, đẩy giá điều thô có lúc lên tới 2.500-2800 đô la/tấn, gây khó cho sản xuất. Nhưng hiện tại, phải phân tích kỹ nhu cầu tiêu thụ thật sự hay không trong bối cảnh nhiều quốc gia xuất khẩu điều thô lớn đang có tình trạng găm hàng làm giá.
"Vì sao ta xuất khẩu nhiều thế mà giá bán lại không lên? Đó là do yếu tố đầu cơ, các ông lớn quyết định. Họ cố tình làm giá để ta tăng nhập, để họ bán giá tốt. Nhu cầu sử dụng hạt điều vì nó tốt cho sức khỏe là có. Nhưng mà nguồn cung các hạt ăn được (óc chó, hạt dẻ, điều…) đang có chiều hướng vượt cầu, nên phải cẩn trọng trong việc nhập khẩu điều thô. Trong năm 2020 không nên nhập vô tội vạ, sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng” - ông Thanh phân tích.
Còn theo Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc công ty Hapro Hà Nội, vấn đề cung – cầu hạt điều đang bị méo mó về thông tin: “Trên thế giới, giá trị hàng hoá không chỉ dựa vào cung - cầu mà còn do diễn biến về chính sách tiền tệ và mối quan hệ ngoại giao các nước. Ngoài ra, còn dựa vào các quyết định mang tính chính trị nó làm méo mó thị trường cung cầu đi” - ông Tuấn nói.
Một vấn đề khác trong năm 2020 đó là doanh nghiệp điều trong nước “sức khỏe” tới đâu? Đó là vấn đề đáng được quan tâm khi mục tiêu xuất khẩu nhân điều 4 tỷ đô trong năm 2020 được đặt ra. Sau cơn bão khủng hoảng năm 2018, rất nhiều doanh nghiệp điều đã phá sản, hoặc buộc phải sát nhập. Trong quá khứ, điều này đã từng xảy ra với cả những doanh nghiệp lớn.
“Một số ngân hàng quay lưng với doanh nghiệp, một số còn lại thì hạn chế tín dụng” – một doanh nghiệp chia sẻ. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Vinacas Phạm Văn Công nhấn mạnh, giai đoạn năm 2017 - 2018 doanh nghiệp điều Việt Nam phần lớn thua lỗ. Qua năm 2019, phần nào hồi phục nhưng chưa giải quyết được lỗ trước đó, nên tài chính phần lớn khó khăn, cần phải được hỗ trợ từ phía các ngân hàng nhiều hơn. Không có tiền dẫn tới khó hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Cũng theo Vinacas, các nhà rang, chiên thế giới tại Mỹ và Châu Âu đang tiếp tục áp đặt thêm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra thêm về dư lượng hóa chất đối với sản phẩm điều từ Việt Nam. Còn tại Châu Á, các nước nhập khẩu siết chặt về xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó là diễn biến phức tạp của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn, đặc biệt là chính sách liên quan tới bảo hộ của các nước liên quan tới điều thô và điều nhân, năm 2020 được nhận định là vô cùng khó dự đoán.
Kim Ngọc