Ngân hàng Việt Nam Thương Tín: Lãi tiền gửi cao “ăn mòn” lợi nhuận

(CL&CS) - “Chạy đua” về lãi suất tiền gửi khiến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín bị “ăn mòn” lợi nhuận.

Lợi nhuận bị “ăn mòn”

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với nhiều chỉ tiêu đi lùi.

Cụ thể, trong quý 3/2020, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng nhẹ từ 1.216 tỷ đồng lên 1.313 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 3.803 tỷ đồng, tăng 489 tỷ đồng, tương đương 14,8% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Dù vậy, thu nhập lãi thuần của VietBank lại giảm sâu, giảm 159 tỷ đồng, tương đương 47% so với quý 3/2019 xuống 1.313 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 487 tỷ đồng, giảm 423 tỷ đồng, tương đương 46,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này chính là chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng từ 897 tỷ đồng lên 1.144 tỷ đồng trong quý 3 và tăng từ 2.404 tỷ đồng lên 3.316 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng vọt là điều khá bất ngờ vì chính sách lãi suất tiền gửi tại VietBank biến động mạnh theo xu hướng giảm sâu so với cuối quý 3 năm ngoái.

Hiện tại, mức lãi cao nhất tại VietBank là 8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Đây là mức tương đối cao. Tuy nhiên, so với trước đây, lãi suất đã giảm khá sâu. Hồi cuối quý 3/2019, lãi suất tiền gửi tại VietBank cao nhất lên đến 8,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng.

Các hoạt động còn lại của VietBank đều tăng trưởng rất mạnh nhưng không đủ bù đắp cho sự thiếu hụt mà hoạt động thu nhập lãi thuần tạo ra.

Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng từ 9,4 tỷ đồng lên 17,9 tỷ đồng, lãi từ hoạt động ngoại hối tăng từ 1,7 tỷ đồng lên 13,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt tới 177 tỷ đồng, tăng 95 tỷ đồng, tương đương 116% so với quý 3/2019; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 583 tỷ đồng, tăng mạnh so với 133 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, lợi nhuận sau thuế tại VietBank vẫn giảm sâu, giảm 77,5 tỷ đồng, tương đương 54% so với quý 3/2019; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 295,2 tỷ đồng, giảm 46,1 tỷ đồng, tương đương 13,5%.

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

Tiếp tục chính sách lãi suất cao nên VietBank vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao. Tại thời điểm cuối quý 3, chỉ tiêu Tiền gửi khách hàng tại VietBank đạt 60.696 tỷ đồng, tăng 11.249 tỷ đồng, tương đương 22,7% so với thời điểm đầu năm. Đây là tốc độ tăng rất mạnh.

Với nguồn vốn dồi dào, VietBank đẩy mạnh hoạt động tín dụng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng tại VietBank tăng 1.745 tỷ đồng, tương đương 4,3%. Điều đáng nói, nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn lại tăng mạnh hơn tín dụng.

Tại thời điểm 30/9/2020, nợ xấu tại VietBank đạt 868 tỷ đồng, chiếm 2,02% tổng dư nợ tín dụng và tăng 329 tỷ đồng, tương đương 61%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,37% lên 2,02%.

Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng 218 tỷ đồng, tương đương 61,6% lên 572 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng nhưng trong kỳ VietBank vẫn mạnh tay tăng lương cho người lao động. Trong 9 tháng đầu năm, chỉ tiêu chi lương và phụ cấp tại VietBank đạt 337 tỷ đồng, tăng mạnh so với 297 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm cuối quý 3, VietBank có 2.505 người, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Với quỹ lương 337 tỷ đồng, trung bình mỗi người lao động VietBank được trả 135 triệu đồng/người/9 tháng, khoảng 14,9 triệu đồng/người/tháng.

Đóng cửa phiên giao dịch 20/10, cổ phiếu VBB của VietBank dừng ở mức 11.700 đồng/CP, giảm 4.800 đồng/CP, tương đương 29% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Như vậy, vốn hóa thị trường VietBank giảm 2.495 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN