Nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào thời kỳ tăng trưởng đi xuống

(CL&CS) - Rủi ro của khu vực kinh tế thực sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính.Kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính.

Đây là nhận định được đưa ra trong ấn phẩm báo cáo thường niên “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19” vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) công bố hôm nay, ngày 25/4/2022.

Nghiên cứu này cũng cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng, tăng trưởng kinh tế đã suy giảm và kinh tế vĩ mô cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn. 

Bất ổn lộ rõ, dư địa chính sách hẹp lại

PGS. TS Tô Trung Thành đồng chủ biên trình bày báo cáo thường niên.

Trong buổi họp báo công bố ấn phẩm nghiên cứu này GS.TS.Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng NEU cho biết, theo nghiên cứu của NEU, năm 2021 tăng trưởng kinh tế ở dưới mức tiềm năng do nhiều yếu tố như do dịch bệnh phức tạp, chuỗi cung đứt gãy, tổng cầu giảm mạnh...

“Sang năm 2022, do những thay đổi cơ bản trong chống dịch và mở cửa nềnkinh tế, cuộc sống đã dần và đã trở lại bình thường, chương trình phục hồi kinh tế được triển khai, nền kinh tế vẫn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Nhưng khó khăn thách thức còn rất lớn. Sức ép lạm phát tăng cao, dư địa chính sách không còn nhiều. Điều hành chính sách sẽ có nhiều khó khăn hơn và đòi hỏi phải có giải pháp chính sách phù hợp”, GS.Phạm Hồng Chương cho biết.

Dư địa hạn hẹp và khó khăn trong điều hành có thể nhìn thấy rất rõ. Đó là để kích thích tăng trưởng và thúc đẩy phục hồi kinh tế thì nên giảm lãi suất. Để chống lạm phát thì một trong những biện pháp cần thiết là tăng lãi suất. Nền kinh tế đang cần thúc đẩy phục hồi, nhưng lạm phát đang tăng.

 Bên cạnh đó, các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu đang có những biến động, đang có những điều chỉnh mạnh.

Rủi ro chéo sang khu vực tài chính đang lộ rõ

Chia sẻ về nội dung và điểm đặc biệt của báo cáo nghiên cứu lần này PGS. TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học của NEU, đồng chủ biên ấn phẩm này cho biết: Bên cạnh việc đánh giá lại kinh tế 2021 và triển vọng 2022, báo cáo đã chỉ ra rủi ro và bất ổn ở 4 lĩnh vực và rủi ro ở các lĩnh vực này tương tác và tác động với nhau. Đó là khu vực kinh tế thực; khu vực kinh tế đối ngoại;khu vực tài chính tiền tệ; và khu vực tài chính ngân sách.

Khu vực kinh tế thực được nghiên cứu từ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng, cơ cấu tăng trưởng, lạm phát và sức khỏe doanh nghiệp.

Về rủi ro bất ổn vĩ mô tại khu vực kinh tế thực, NEU chỉ rõ nguy cơ rủi ro lạm phát cao đang hiện hữu và nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống vì trong 2 năm gần đây nền kinh tế đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng rất xa.

Khu vực doanh nghiệp không chỉ còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều bất ổn. Nghiên cứu nhứng DN phi tài chính niêm yết trên TTCK (được cho là những DN có sức khoẻ tài chính tốt nhất) đang có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao.

Nhiều doanh nghiệp lại đầu cơ chứng khoán và bất động sản nên sẽ rủi ro khi các thị trường tài sản gặp khó khăn, nguồn vốn bị thu hẹp.

Rủi ro khu vực kinh tế thực sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính, và rủi ro chéo với hệ thống NHTM đang lộ rõ hơn khi tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các ngành kinh tế lớn đều tăng mạnh.

NEU cũng chỉ ra rủi ro bất ổn tại khu vực tài chính tiền tệ, đó là tỷ trọng vốn cung ứng bởi TTCK cho nền kinh tế còn thấp. Cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Vốn cho vay của hệ thống NHTM chiếm hơn 50% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nợ xấu vẫn có chiều hướng gia tăng. 

Chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ đến hạn là giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn. Nhưng việc kéo dài thời gian áp dụng chính sách đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn nên tiềm ẩn rủi ro trong trung hạn. 

Cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất khả năng thanh toán, đặc biệt liên quan đến TPDN. 60% TPDN là do các NHTM và CTCK thành viên nắm giữ. Trong đó, 74% TPDN phát hành bởi các công ty BĐS được nắm giữ trong hệ thống các NHTM và CTCK.

Như vậy hệ thống NHTM sẽ có rủi ro chéo từ TPDN. Quy mô thị trường TPDN tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao do hình thức phát hành riêng lẻ là chủ yếu (chiếm tới 94%). Trong đó, trái phiếu do DN bất động sản phát hành là 32,8%. 

 Trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động.  

 Có khả năng GDP đạt 6,5% nhưng lạm phát khó giữ dưới 4%

Khu vực thực với tăng trưởng dưới tiềm năng và rủi ro lạm phát cao còn tác động đến rủi ro nợ công trong trung hạn. Sức ép tỷ giả ở khu vực kinh tế đối ngoại cũng ảnh hưởng đến nợ công.

Về triển vọng 2022, tuy còn rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhóm nghiên cứu của NEU cho rằng, với tình hình dịch bệnh mới và nền kinh tế được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, và với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế tăng trưởng, đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng của năm 2022,  kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6,5% như kỳ vọng.

Nhưng mục tiêu lạm phát dưới 4% khó đạt được. Giá hàng hóa cơ bản và giá năng lượng nhất là giá xăng dầu thế giới tăng kỷ lục sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước và mục tiêu kìm giữ lạm phát.

Nếu giá xăng dầu tăng cao cũng kéo lùi khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng. Nhóm nghiên cứu của NEU lượng tính với giá xăng dầu tăng 45,2% thì làm CPI tăng 0,5-0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,2-2,34%, và ở chu kỳ sản xuất tiếp theo, GDP có thể giảm khoảng 7,3-8% so với kịch bản không tăng giá xăng dầu. Tức là giá xăng tăng 45,2% thì khả năng mục tiêu GDP đạt 6,5% sẽ bị giảm đi 7-8%.

  Các chuyên gia của NEU khuyến nghị, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”. Đồng thời cần bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Tuy nhiên, chính sách cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

TIN LIÊN QUAN