Năng suất-chất lượng và vai trò chủ yếu của Doanh nghiệp

(CL&CS) - Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, trong đó xác định “Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%”. Phần định hướng phát triển kinh tế xã hội về khoa học và công nghệ trong Chiến lược chỉ rõ “Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 (Chương trình 712). Chương trình được xây dựngvới quan điểm lấy việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng (NSCL); ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ làm cơ sở để nâng cao NSCL, đồng thời với quan điểm doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa.

 Ảnh minh họa

Trong phạm vi Chương trình 712, với vai trò tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao NSCL, Nhà nước đã triển khai nhiều nội dung hoạt động, như: phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội sao cho cập nhật với tiến bộ của khoa học và công nghệ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường; tăng cường năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về NSCL tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL và nhiều hoạt động khác, bước đầu tạo nên phong trào năng suất chất lượng trên phạm vi cả nước.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam với công nghệ sản xuất chậm được đổi mới; các trang thiết bị sản xuất còn lạc hậu; đặc biệt trình độ quản lý sản xuất kinh doanh còn hạn chế, dẫn đến năng suất và hiệu quả chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của NSCL, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại tư tưởng trông chờ vào nhà nước, chưa thực sự chủ động tìm mọi giải pháp để nâng cao NSCL. Đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, công nghệ lạc hậu, còn yếu kém về trình độ quản lý sản xuất, nên chưa đủ tự tin, chủ động và dành thời gian, công sức thực hiện các dự án cải tiến NSCL. Hơn lúc nào hết, việc áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL thích hợp với loại hình, quy mô, điều kiện cụ thể của doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả  rõ rệt cho doanh nghiệp.

Thực tiễn, thời gian qua trong khuôn khổ Chương trình 712 đã triển khai hướng dẫn, hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến NSCL, đồng thời triển khai xây dựng các mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL làm cơ sở nhân rộng cho cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả triển khai cho thấy tính khả thi, hiệu quả của việc áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL vào doanh nghiệp Việt Nam. Qua kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp được tiếp cận với các HTQL, công cụ cải tiến NSCL, đã cải thiện được hoạt động quản lý,  NSCL nâng lên rõ rệt. Thông qua việc tham gia các dự án cải tiến NSCL, ý thức và kỹ năng làm việc của người lao động được nâng cao, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng tổng hợp, phân tích quá trình, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật,… được cải thiện đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã thu được các lợi ích kinh tế rõ rệt thông qua việc giảm thiếu các lãng phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng,… góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và cải thiện đáng kể hình ảnh của doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình.

Việc triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực của chính các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động nâng cao NSCL.  Các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra các giải pháp nâng cao NSCL và tốt nhất xây dựng dự án NSCL cụ thể cho doanh nghiệp mình. Để thành công các doanh nghiệp cần:

-  Nâng cao trình độ cán bộ, chuyên gia, người lao động về NSCL. Tham dự các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về NSCL. Đó là các lớp đào tạo về  tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng,  về xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến  NSCL,...;

 - Tăng cường áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL; áp dụng TCVN, QCVN; chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng, áp dụng TCCS;  ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ,...

 Tùy từng lĩnh vực, quy mô sản xuất kinh doanh, tùy từng loại sản phẩm, tùy từng điều kiện cụ thể, DN có thể áp dụng (đơn lẻ hoặc tích hợp) một hoặc nhiều hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL sau đây: Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001); Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001); Hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OHSAS 18001); Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000); Trách nhiệm xã hội (SA8000/ISO 26000); Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISO/IEC 27001), Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí (ISO/TS 29001); Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành hàn (ISO 3834); Hệ thống quản lý chất lượng (ISO/TS 16949) cho các tổ chức sản xuất ô tô và phụ tùng liên quan; Hệ thống quản lý chất lượng ISO 13485 cho các tổ chức sản xuất dụng cụ y tế; Hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm y tế (ISO 15189); Hệ thống quản lý phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn (ISO/IEC 17025); Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001); Hệ thống tích hợp (PAS 99) ; Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn (TCVN 7506/ISO 31000); Quản lý chất lượng toàn diện (TQM); Thực hành sản xuất tốt (GMP); Bảy công cụ kiểm soát chất lượng; Bảy công cụ quản lý và cải tiến chất lượng mới; Biểu đồ Grantt (Grantt Diagram); Biểu đồ mạng nhện (Spider Web Diagram); Phương pháp động não (Brainstorming); Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA); Cân bằng dây chuyền sản xuất ( Heijunka); Chống sai lỗi (Poka Yoke); Chuyển đổi nhanh; (Quick Change);  Over); Khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên; Nhóm kiểm soát chất lượng (QCC); Phân tích tác động và hình thức sai lỗi (FMEA); Phương pháp cải tiến Kaizen; Quản lý trực quan; Thẻ Kanban; 5S; 7 lãng phí (7 Wastes); Chỉ số hoạt động chính (KPI); Đánh giá năng lực và hiệu quả của nhân viên; Đo lường năng suất tại doanh nghiệp; Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); Năng suất xanh (GP); Quản lý quan hệ khách hàng (CRM); Quản lý tinh gọn (LEAN); Quản lý tri thức (KM); Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard); 6 Sigma; …

Các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, ISO/IEC nêu trên đều được Việt Nam chấp nhận thành tiêu chuẩn  quốc gia TCVN ISO, TCVN ISO/IEC với cùng số hiệu và hoàn toàn tương đương về nội dung. Trong khuôn khổ Chương trình  712 việc nghiên cứu hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đã được thực hiện, cả áp dụng đơn lẻ từng hệ thống, công cụ đến tích hợp các hệ thống, công cụ. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận Chương trình 712 để được hướng dẫn, tư vấn.

Văn Văn

Nên đọc