Nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.

(CL&CS)- Ý thức của người dân luôn là nhân tố hàng đầu trong sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả mà ngành điện hướng tới. Theo đó, nhiều chương trình đã được ngành điện triển khai để nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tiết kiệm năng lượng, xa hơn là tiết kiệm nguồn lực quốc gia

Hiện nay Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để nâng cao khả năng cung ứng điện cho thị trường và sản xuất như việc phê chuẩn Quy hoạch điện VIII, có những chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống cung ứng điện, dành nguồn nguyên liệu cho các nhà máy điện than…

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc tăng nguồn cung ứng điện khó có thể nhanh bằng tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng điện, do đó, chỉ có cách sử dụng tiết kiệm điện kết hợp với tăng nguồn cung mới có thể đi đến bước cân bằng cung cầu.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Theo đó, Phó Tổng giám đốc EVN lấy ví dụ giả sử hiện nay tổng nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước mỗi năm là khoảng 27 tỷ kWh. Vậy nếu tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện năng tiêu thụ như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, thì lượng điện tiết kiệm được sẽ là khoảng 2,7 tỷ kWh, tương đương công suất của một nhà máy điện lớn.

Chia sẻ với Tạp chí Chất lượng và cuộc sống, chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng tiết kiệm năng lượng là rất cần thiết nhưng không phải tiết kiệm nghĩa là “nhịn”, không dùng, mà phải sử dụng năng lượng thông minh và hiệu quả. Làm sao để cùng một khối lượng công việc, doanh nghiệp người dân có thể tiêu hao ít điện năng hơn.

Ngoài ra, tiết kiệm năng lượng không chỉ nói về điện mà còn cần tiết kiệm những nguồn năng lượng khác để tiến tới xa hơn là tiết kiệm nguồn lực quốc gia.

Hiện nay, mỗi lượng than, nguyên liệu nhập khẩu đều có giá trị cao hơn trước đó, bởi đây đều là nguồn năng lượng không thể tái tạo. Do đó, nếu không tiết kiệm, sử dụng năng lượng thông minh, hiệu quả thì chi phí đầu vào sẽ ngày một tăng lên, từ đó đẩy giá điện và chi phí sản xuất tăng, khiến giá thành các sản phẩm tăng cao. Tất cả những điều này sẽ gây nên hệ lụy lớn cho nền kinh tế, ông Tuấn phân tích.

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn

Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, có thể hoạt động cơ chế giá điện theo giá thị trường, khi đó, giá điện sẽ cao hơn, nâng cao ý thức người dân về tiết kiệm điện.

Ngoài ra, cần tính tới việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo, đặc biệt là áp dụng điện mặt trời áp mái, vừa gia tăng nguồn điện cung ứng, giúp giảm phát thải, vừa giúp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cả trong nước và xuất khẩu.

Từ đó chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, các giải pháp về trung hạn và dài hạn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang triển khai hiện nay là rất hợp lý. Tuy nhiên để hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là ý thức tiết kiệm điện của mỗi người. "Tôi cho rằng, vào mùa nắng nóng, để giảm áp lực cho hệ thống điện thì ý thức tự quản lý mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người, mỗi doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình có thể lắp điện mặt trời áp mái để sử dụng, vừa che chắn nóng, vừa giảm tiền điện, từ đó góp phần giám áp lực cho hệ thống điện".

Lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”

Theo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) nguyên tắc tiết kiệm điện đơn giản là “sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, tắt khi không sử dụng”. Tuy nhiên, cùng với ý thức tiết kiệm năng lượng, mỗi người cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để sử dụng điện đúng cách và hiệu quả.

Để lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm – Hà Nội đã liên hệ với Công ty TNHH MTV chiếu sáng và thiết bị đô thị; các đơn vị quản lý chiếu sáng sân vườn, chiếu sáng trang trí, các biển quảng cáo cỡ lớn…. để hướng dẫn và vận động khách hàng thực hiện tắt/giảm bớt đèn chiếu sáng tại một số điểm công cộng và chủ động tuyên truyền về việc hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2024 tới khách hàng và vận động khách hàng tích cực tham gia hưởng ứng tắt đèn và tắt các thiết bị điện khi không cần thiết. Trong năm 2023, trong khoảng thời gian một giờ diễn ra sự kiện giờ trái đất từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/03/2023, trên toàn địa bàn quận Nam Từ Liêm tiết kiệm được 3.526kWh.

Công ty Điện lực Nam Từ Liêm – Hà Nội tuyên truyền về thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”

Đồng hành cùng ngành điện và Bộ Công Thương trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Bà Hoàng Thị Thu Giang - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Miza - cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng, chúng tôi luôn xây dựng mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Trước sự phát triển của xã hội, biến đổi của khí hậu, mọi nguồn năng lượng đều thiếu hụt so với nhu cầu sử dụng, trong đó có năng lượng điện. Chính vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Miza làm việc với EVN Hanoi cam kết thực hiện Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện

Đối với doanh nghiệp sản xuất, nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (như máy nghiền, máy nén khí...) vào giờ cao điểm. Doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ giám sát và quản lý năng lượng để kiểm soát và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ. Chẳng hạn như lắp đặt hệ thống giám sát năng lượng để theo dõi các hoạt động tiêu thụ điện, thiết lập những chương trình giảm thiểu điện trong giờ cao điểm, hoặc thực hiện các cuộc khảo sát về tình trạng sử dụng năng lượng. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng những thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện.

Đào tạo và nâng cao nhận thức tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả của nhân viên và người lao động. Bên cạnh đó, ngành điện cũng khuyến khích các cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, các trường học, trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, thực hiện tắt hoặc cắt giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, khu vực công cộng sau 22 giờ. 

Lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”

Với các gia đình, nên lựa chọn và sử dụng những thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương. Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ. Một điều rất quan trọng với hầu hết thiết bị điện trong gia đình là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên.

TIN LIÊN QUAN