Nâng cao chất lượng giáo dục: Góp phần xây dựng chương trình quốc gia bậc đại học chuyên ngành Chính trị học cho Bộ GD&ĐT

(CL&CS) - Những năm qua, Khoa Chính trị học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng. Số lượng ngành học, hệ đào tạo đa dạng từ bậc đại học đến cao học, cùng với sự tăng trưởng đều đặn về số lượng sinh viên và học viên theo học. Khoa đã góp phần xây dựng Chương trình quốc gia bậc đại học chuyên ngành Chính trị học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực này.

Hành trình xây dựng, phát triển về số lượng và chất lượng

Vừa qua, Khoa Chính trị học thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học Khoa Chính trị học 30 năm (1994 – 2024) xây dựng và phát triển.

Được thành lập từ ngày 01/9/1994, Khoa Chính trị học đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển; tự hào là đơn vị đào tạo lý luận chính trị và nghiên cứu khoa học có chất lượng và uy tín; góp phần quan trọng trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội và hệ thống chính trị, khu vực; đáp ứng nhu cầu xã hội thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

Ban Lãnh đạo Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng hoa chúc mừng Khoa Chính trị học

Hội thảo là dịp để toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên cùng nhau ôn lại chặng đường 30 năm đầy tự hào, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của khoa, đồng thời tri ân những thế hệ đi trước đã góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Khoa.

Phó Bí thư chi bộ, Phó Trưởng Khoa Chính trị học, TS. Dương Thị Thục Anh đã trình bày báo cáo tổng kết về những thành tựu đáng ghi nhận mà Khoa đã đạt được trong suốt 30 năm qua. TS. Dương Thị Thục Anh nhấn mạnh, Khoa Chính trị học đã khẳng định được vị thế quan trọng trong hệ thống giáo dục đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu Chính trị học, Chính sách công và Quản lý công. Khoa không chỉ là đơn vị tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học mà còn đạt nhiều thành tích đáng kể trong hợp tác quốc tế.

Phó Bí thư chi bộ, Phó Trưởng Khoa Chính trị học, TS. Dương Thị Thục Anh

Với chủ đề: “Khoa Chính trị học - 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)”, Hội thảo vừa là dịp để các thế hệ cán bộ, nhà giáo và học viên, sinh viên Khoa Chính trị học gặp gỡ và nhìn lại chặng đường phát triển 30 năm đầy tự hào của ngôi nhà Chính trị học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đây cũng là diễn đàn khoa học để các vị đại biểu, nhà khoa học cùng đánh giá, tổng kết về quá trình xây dựng và phát triển của khoa, về cả những mặt thành công, vấn đề còn tồn tại, đồng thời gợi mở những định hướng, giải pháp tạo đột phá và phát triển vững chắc cho Khoa trong thời gian tới”, TS. Dương Thị Thục Anh chia sẻ.

Về công tác đào tạo, Khoa Chính trị học đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng. Số lượng ngành học, hệ đào tạo đa dạng từ bậc đại học đến cao học, cùng với sự tăng trưởng đều đặn về số lượng sinh viên và học viên theo học. Những năm qua, Khoa luôn đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội, phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Ngoài ra, chương trình đào tạo của Khoa cũng ngày càng được cải tiến để bắt kịp xu hướng phát triển, giúp sinh viên và học viên sau khi tốt nghiệp có khả năng thích ứng nhanh với những biến động của thị trường lao động.

Đội ngũ giảng viên và Ban Lãnh đạo Khoa Chính trị học

Về mặt nghiên cứu khoa học, Khoa Chính trị học đã chủ trì và tham gia vào nhiều dự án khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Các giảng viên và nhà nghiên cứu của Khoa đã viết hàng trăm bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành, đồng thời xuất bản nhiều sách giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu. Đặc biệt, Khoa đã góp phần xây dựng Chương trình quốc gia bậc đại học chuyên ngành Chính trị học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực này.

Các sinh viên Lào đang theo học tại Khoa Chính trị học

Ngoài ra, chương trình hợp tác quốc tế của khoa cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Rất nhiều sinh viên Lào đã tốt nghiệp từ Khoa Chính trị học và trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý tại các địa phương của Lào. Sự gắn kết bền chặt và lòng biết ơn từ phía nước bạn Lào đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như Khoa Chính trị học đã thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Trong suốt 30 năm qua, Khoa Chính trị học đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý và đã được cấp trên ghi nhận: Chi bộ Khoa liên tục đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh. Khoa thường xuyên đạt danh hiệu Đơn vị lao động giỏi, Đơn vị lao động tiên tiến, được Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng Giấy khen; Khoa 4 lần được Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong các năm học từ (2000 – 2013) . Khoa 5 lần tặng Cờ thi đua và bằng khen cấp Bộ năm 2008-2009, 2011-2012, 2013 – 2014, 2015 – 2016 và 2018 vì có thành tích xuất sắc trong công tác và là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua…

Khoa kiểu mẫu của Học viện về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện

Cũng tại hội thảo, PGS, TS. Phạm Minh Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã biểu dương những nỗ lực và cống hiến của tập thể Khoa Chính trị học trong suốt 30 năm qua. Thành tích của Khoa không chỉ là niềm tự hào của riêng Khoa mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của Học viện.

PGS, TS. Phạm Minh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo

PGS, TS. Phạm Minh Sơn cũng khuyến khích các giảng viên và sinh viên của Khoa tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh ngành Quản lý công – một ngành học đầy tiềm năng – đang ngày càng phát triển tại Việt Nam.

 Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khẳng định những thành tích rất đáng ghi nhận đó là kết quả của sự nỗ lực với tinh thần tự giác và trách nhiệm cao của tập thể cán bộ giảng viên trong Khoa. Khoa Chính trị học cũng được ghi nhận là một tập thể có truyền thống đoàn kết và dân chủ trong Học viện. Đó cũng chính là môi trường để các cán bộ, giảng viên trong Khoa tin tưởng, gắn bó và ra sức cống hiến để xây dựng, phát triển trong suốt 30 năm qua.

Thay mặt Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc Học viện, PGS, TS. Phạm Minh Sơn cũng bày tỏ sự mong mỏi và kỳ vọng, đội ngũ cán bộ giảng viên của Khoa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, phấn đấu trở thành một trong những khoa mạnh, khoa kiểu mẫu của Học viện về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện.

Trong kỷ nguyên số, công nghệ là nền tảng, động lực, tác nhân đồng thời là môi trường của truyền thông chính trị. Theo PGS, TS. Lưu Văn Quảng – Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các khía cạnh của đời sống xã hội, bao gồm cả lĩnh vực chính trị.

PGS, TS. Lưu Văn Quảng - Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Viện trưởng Viện Chính trị học, công nghệ kỹ thuật số đã làm cho việc quản lý Nhà nước trở nên minh bạch hơn nhưng tạo ra những thách thức mới về bảo mật và quyền tự do cá nhân. Công nghệ cũng thay đổi cách thức mà các quá trình dân chủ diễn ra, từ việc bỏ phiếu trực tuyến đến các phong trào xã hội trên mạng, đồng thời đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền tự do ngôn luận và tính minh bạch trong quản lý thông tin, điều này đòi hỏi việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực chính trị học phải có sự thay đổi linh hoạt, bắt kịp xu hướng và ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành Nhà nước.

Tham luận tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Viết Thảo - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, trên phạm vi cả nước, nhiều trường đại học, học viện có chương trình đào tạo các chuyên ngành thuộc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là hệ thống tri thức cơ bản.

Sứ mệnh riêng có của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Chính trị học là đào tạo chuyên sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như nền tảng tư tưởng của chính Đảng tiền phong và kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, cho con đường phát triển đất nước hiện nay.

Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Chiều, Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, về đào tạo chính trị học, việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng đào tạo những gì xã hội cần và tăng cường tính thực tiễn, tính ứng dụng, tính thực hành của chính trị học rất cần thiết.

Hiện nay, việc xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của nhiều chương trình đào tạo Chính trị học còn rất chung chung. Do vậy, việc đầu tiên là cần phải có sự thống nhất nhất định các loại và các cấp độ chuẩn đầu ra của ngành này. Trên cơ sở đó, tuỳ vào triết lý giáo dục, sứ mạng, tầm nhìn và điều kiện đảm bảo chất lượng, các trường có thể lựa chọn các chuẩn đầu ra phù hợp.

PGS, TS. Nguyễn Xuân Phong - Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Nguyên Trưởng khoa Chính trị học chia sẻ tại Hội thảo

Khoa Chính trị học đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên phấn đấu không ngừng nghỉ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác Quốc tế cũng luôn được cán bộ giảng viên của Khoa quan tâm và có nhiều thành tích quan trọng.

Khoa là một trong những đơn vị đi đầu trong Học viện về các hoạt động nghiên cứu khoa học với số lượng các công trình khoa học chất lượng như Giáo trình, đề tài khoa học các cấp, các bài báo đăng tạp chí…Những thành tựu của Khoa cùng đóng góp xây dựng vào trong khuôn mẫu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, xứng danh tiền thân là Trường Tuyên giáo Trung ương, qua hơn 60 năm phát triển, đã đào tạo ra những thế hệ cá nhân xuất sắc, góp phần quan trọng vào công cuộc dựng xây xã hội ở các lĩnh vực khác nhau. 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS, TS. Trần Thanh Giang, Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Phụ trách Khoa Chính trị học khẳng định, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), Khoa Chính trị học thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những đóng góp tích cực vào sứ mệnh, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện thời kỳ đổi mới, đồng thời cũng phải không ngừng cố gắng, nỗ lực trong thời gian tới để đạt được những kết quả và thành tích cao hơn, để xứng danh là trường Đảng thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS, TS. Trần Thanh Giang, Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Phụ trách Khoa Chính trị học 

PGS, TS. Trần Thanh Giang khẳng định, Hội thảo kỉ niệm 30 năm thành lập Khoa Chính trị học lần này là dịp để các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên khoa được gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và ôn lại những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình 30 năm đó; đồng thời cũng mở ra những cơ hội và triển vọng mới cho các bước phát triển tiếp theo của Khoa Chính trị học.

Tại Hội thảo, Khoa Chính trị học đã vinh dự đón tiếp các quý vị đại biểu là Lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các đại biểu là Nguyên lãnh đạo khoa Chính trị học qua các thời kỳ; các đại biểu đến từ các Học viện, Trường Đại học, các Viện, khoa chuyên môn nghiên cứu và giảng dạy chính trị học trong cả nước; các đại biểu đại diện cho các đơn vị đối tác của khoa trong hợp tác đào tạo 30 năm qua; đặc biệt là sự góp mặt của hơn 100 học viên, cựu học viên, sinh viên, cựu sinh viên đại diện cho các thế hệ học viên, sinh viên của Khoa Chính trị học.

Hình ảnh các cựu sinh viên Khoa Chính trị học trở về thăm trường, cùng ôn lại những dấu mốc, kỉ niệm đáng nhớ

Trải qua nhiều thăng trầm và giai đoạn của lịch sử, Khoa Chính trị học càng làm tốt hơn sứ mệnh của chính mình, không ngừng phát triển những thế mạnh vốn có, biến khó khăn thành cơ hội, thầy và trò đã gặt hái được nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trở thành đơn vị đào tạo hàng đầu về khoa học chính trị trong cả nước.

Khoa Chính trị học – 30 năm dấu ấn và chặng đường, đã ghi dấu ấn đậm nét trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong tương lai, Khoa Chính trị học sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh.

TIN LIÊN QUAN