Năm 2030: Thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh

(CL&CS) - Là một trong những bộ, ngành đã tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số, ngành tài chính đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Tới năm 2030, Bộ Tài chính phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh…

Yếu tố then chốt…

Hiện nay, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là xu thế tất yếu trên thế giới, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và doanh nghiệp. 

Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trong đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những biểu hiện cụ thể thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước.    

Ngành Tài chính được đánh giá là ngành tiên phong trong chuyển đổi số

Cùng với trụ cột Chính phủ số, 02 trụ cột kinh tế số và xã hội số đã chính thức được Chính phủ triển khai và bắt đầu đạt một số thành tựu, kết quả ấn tượng. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có  lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Ngành Tài chính là một trong những bộ, ngành đã tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số, trong đó, đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Tới năm 2030, Bộ Tài chính phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.

Công đồng doanh nghiệp ghi nhận…

Tại “Diễn đàn trực tuyến: Tài chính số 2021” do Thời báo tài chính tổ chưc mới đây, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội- TS Vũ Tiến Lộc đánh giá, ngành Tài chính đã là ngành đã đi tiên phong trong chuyển đổi thể chế, trong cải cách hành chính, trong cắt bỏ các giấy phép con và bây giờ thì ngành tài chính cũng đang đi đầu trong cuộc cách mạng số trong các cơ quan của Chính phủ Việt Nam. “Cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực này của ngành tài chính!”- TS Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, rất mừng là trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan tài chính, cụ thể là ngành thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm đang là cơ quan đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của mình trong bối cảnh ngành tài chính tích cực chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số. “Đây là điều rất quan trọng!”-TS Lộc khẳng định.

GS.TS. Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: “Thời gian qua, ngành Tài chính đã ghi nhận những thành công trong cải cách, trong việc ứng dụng tin học hóa và số hóa. Đặc biệt là hai lĩnh vực nổi trội về quản lý thuế và hải quan đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp, chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại hóa để số hóa. Doanh nghiệp, người dân thấy rõ sự công khai minh bạch.”

Cụ thể, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng Doanh nghiệp, người dân cũng thấy rõ khi Tổng cục Thuế thực hiện chương trình kê khai nộp thuế thông qua hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là khi triển khai hệ thống kê khai thuế điện tử này lại kết nối được với hệ thống ngân hàng để thực hiện quá trình giao dịch, nộp tiền, chuyển tiền, thanh toán tiền doanh nghiệp đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, điều đó không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp, người dân mà còn tăng tính công khai, minh bạch; làm thay đổi phương thức giao tiếp, giảm thiểu tiêu cực, tạo ra môi trường kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế.

“Với những kết quả đã đạt được, tôi tin tưởng rằng ngành Tài chính sẽ thực hiện thành công, từng bước đạt được mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 là thiết lập được nền tài chính mở; hoàn thành được mục tiêu là chuyển một số nền tài chính một cách toàn diện đầy đủ vào 2030…”- GS.TS. Hoàng Văn Cường khẳng định.

TIN LIÊN QUAN