Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2024. Năm 2025, Chính phủ không chỉ tập trung vào cải cách môi trường kinh doanh mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế số và công nghiệp chế biến chế tạo, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 8%.
Năm 2025, Việt Nam bước vào trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Phát huy động lực tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong năm 2025
Bước sang năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, thể hiện qua Công điện 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Chính phủ cũng đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Các văn bản này tập trung vào việc cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI), và công nghiệp chế biến chế tạo.
Chuyển đổi số được xem là động lực tăng trưởng dài hạn, với các lĩnh vực như điện toán đám mây, sản xuất chip bán dẫn và dữ liệu lớn (big data) đóng vai trò quan trọng. Chính phủ cũng tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao năng suất lao động. Việc khuyến khích DN trong nước phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt được coi là yếu tố then chốt để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Công tác cải cách thể chế đang được triển khai tích cực, các luật mới ban hành sẽ dần có hiệu lực nên cần xây dựng các quy định hướng dẫn để sớm đi vào cuộc sống.
Quá trình cải cách sắp xếp, tinh gọn bộ máy với khối lượng công việc khổng lồ cũng đang triển khai quyết liệt, mang lại nhiều kỳ vọng tích cực. Trong đó, một yêu cầu đặt ra là bảo đảm tính liên tục trong công việc như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Theo tính toán, thời gian tới khối lượng công việc của Chính phủ rất lớn. Sẽ phải tiếp tục triển khai sửa đổi hàng trăm Luật, Nghị định để triển khai các chính sách mới thúc đẩy tăng trưởng, đi đôi với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát, phát triển các thị trường...
Đáng chú ý, tại các Nghị quyết 01, 02, Chính phủ đã có yêu cầu cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, trong đó nhiều việc được "giao khoán" cho người đứng đầu các đơn vị, đồng thời Chính phủ cũng sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ việc triển khai các Nghị quyết này.
Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…
Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)… đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.