Năm 2022, các ngân hàng niêm yết đạt 10,6 tỷ USD lợi nhuận trước thuế

(CL&CS) - Năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng ngành ngân hàng vẫn ăn nên làm ra. Bằng chứng là 27 ngân hàng niêm yết đạt 246.218 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (10,6 tỷ USD), tăng 33,7% so cùng kỳ năm trước.

Kết quả hoạt động hợp nhất của 27 ngân hàng niêm yết (đơn vị tính: tỷ đồng, %).

Chi phí trích lập dự phòng giảm

Nguyên nhân giúp lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục bay cao là tổng thu nhập tăng nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm. Cụ thể, tổng thu nhập đạt 552.887 tỷ đồng, tăng 20,1% so cùng kỳ năm trước (YoY); chi phí hoạt động đạt 186.568 tỷ đồng, tăng 20,1% YoY nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 0,6% (tương đương 702 tỷ đồng) về còn 120.101 tỷ đồng.

Các khoản thu nhập của ngành ngân hàng đều tăng trưởng, ngoại trừ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư. Cụ thể, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 766 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 2.734 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 5.362 tỷ đồng, giảm 63,1% YoY.

Thu nhập lãi thuần đã mang về cho các ngân hàng 428.398 tỷ đồng, tăng 22,9% YoY. Thu nhập lãi thuần chiếm 77,5% trong cơ cấu tổng thu nhập, tăng mạnh so với mức 75,7% của năm 2021.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 63.337 tỷ đồng, tăng 14,7% YoY. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chiếm 11,5% trong cơ cấu tổng thu nhập và đã thụt lùi so với năm 2021 khi chiếm 12%.

Năm 2022, hoạt động kinh doanh ngoại hối ăn nên làm ra nên có mức tăng 35,6% YoY, các ngân hàng đã lãi 18.391 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập khi chỉ chiếm 3,3%, tăng nhẹ so với mức 2,9% của năm 2021.

Hoạt động khác của các ngân hàng cũng có một năm kinh doanh ấn tượng khi tăng 49,9% YoY, đạt 36.695 tỷ đồng. Hiện nay, hoạt động khác đang chiếm tỷ trọng 6,6% trong cơ cấu tổng thu nhập, tăng khá so với mức 5,3% của năm 2021.

Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 1.470 tỷ đồng, tăng 20,7% YoY. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ chiếm 0,3%, tương đương tỷ trọng trong cơ cấu tổng thu nhập của năm trước.

Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết.

9 ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

Năm 2022, các ngân hàng chứng kiến thêm VIB, HDBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Hiện nay, câu lạc bộ này gồm 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank) và các ngân hàng tư nhân: Techcombank, MB, VPBank, ACB, VIB, HDBank.

Trong câu lạc bộ này, Vietcombank tiếp tục thể hiện là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong ngành khi đạt 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% YoY. Nền tảng kinh doanh tốt là bệ đỡ cho cổ phiếu VCB của Vietcombank đã có 12 năm tăng giá liên tiếp kể từ năm 2022. Hiện nay, vốn hóa của Vietcombank đạt 426.400 tỷ đồng và trở thành quán quân về vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam.

BIDV đã gây ấn tượng mạnh với lợi nhuận trước thuế tăng 70,2% YoY, đạt 23.058 tỷ đồng. Hiện nay, vốn hóa của BIDV đạt 218.022 tỷ đồng, vượt qua anh em họ nhà Vingroup (VIC, VHM) và xếp thứ hai trên thị trường chứng khoán chỉ sau Vietcombank.

Trong câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Techcombank chỉ ở mức  10%, đạt 25.568 tỷ đồng, thấp hơn bình quân chung của ngành. VietinBank cũng có tốc độ tăng trưởng thấp 20%, đạt 21.113 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

4 ngân hàng đi ngược chiều

Đã có 4 ngân hàng báo cáo lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ năm là NCB giảm 46,4% YoY; KienLongBank giảm 32,5%; OCB giảm 20,5% và ABBank giảm 13,1%.

Trong đó, NCB gây chú ý nhất khi đạt 1,23 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 8 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.

TIN LIÊN QUAN