Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại

(CL&CS) - Múa rối nước - loại hình nghệ thuật độc đáo của văn hóa Việt Nam, đã tồn tại suốt hàng nghìn năm nay và gắn liền với nền văn minh lúa nước. Trong nhịp sống hiện đại, những nghệ nhân vẫn ngày đêm thổi hồn vào con rối, mang đến niềm vui cho người xem và giữ sức sống cho một nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Một buổi biểu diễn rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học, thường diễn ra vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Phương Mai.

Cần nhiều hơn là đam mê để giữ nghề tổ truyền

Suốt nhiều năm qua, phường rối nước Đồng Ngư (Bắc Ninh) vẫn miệt mài biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học (Cầu Giấy, Hà Nội), lặng lẽ gìn giữ những tích xưa trò cũ của múa rối nước. Trong cái rét 17 độ C của Hà Nội mùa đông, những nghệ nhân ẩn sau tấm mành tre, ngâm mình trong nước lạnh buốt, khéo léo điều khiển những con rối bằng sào tre chìm dưới nước. Gắn với đời sống Bắc Bộ, các trò rối mộc mạc mà sinh động, đầy sức hút nhờ sự tài hoa và sáng tạo của người nghệ sĩ.

Nghề múa rối nước là một nghề vất vả, theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Hùng (phường rối nước Đồng Ngư, Bắc Ninh), một người đã gắn bó với rối nước ngót 30 năm. “Cố nhiên là cần phải yêu nghề, phải đam mê thì mới giữ gìn được múa rối nước, nhưng còn cần nhiều hơn thế nữa.” Theo ông, người múa rối giỏi phải hội đủ "con mắt tinh, đôi tai tỏ, bàn tay khéo" để thổi hồn vào con rối gỗ vô tri, biến chúng thành nhân vật sống động, làm khán giả bật cười, trầm trồ.

Các nghệ sĩ của phường rối Đồng Ngư đang hát và chơi nhạc cụ minh họa cho tiết mục múa rối nước. Ảnh: Phương Mai.

Dù vất vả, ngâm mình hàng giờ trong nước lạnh, họ vẫn kiên trì giữ nghề. “Ngày xưa chưa có đồ chống lạnh, chúng tôi uống nước gừng hay thậm chí là uống nước mắm để làm ấm người. Lạnh hơn nữa vẫn diễn!” - ông Hùng cười xòa, ánh lên niềm tự hào khi kể về một nghề gian khó nhưng đầy giá trị văn hóa.

Hồn cốt ngàn năm của dân tộc

Trong trí nhớ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Hùng, rối nước đã có từ lâu lắm rồi. "Từ khi tôi sinh ra, cha ông tôi đã múa rối nước. Nghề này cứ thế truyền qua từng thế hệ, từ ông cha đến con cháu, gắn liền với đời sống, với văn hóa của chúng tôi," ông chia sẻ.

Theo các nghiên cứu, múa rối nước ra đời từ thời nhà Lý, cách đây khoảng 10-11 thế kỷ, gắn với nền văn minh lúa nước và cuộc sống dân dã của đồng bằng Bắc Bộ. Điều đặc biệt là nghệ thuật rối nước chỉ có ở Việt Nam, với sân khấu là mặt nước. Bốn yếu tố quan trọng làm nên nghệ thuật múa rối nước là: Con rối, người điều khiển rối, dàn nhạc và thủy đình. Con rối, làm từ gỗ sung, nhẹ để nổi trên nước, có hình thù sinh động, màu sắc tươi tắn và mang tính tượng trưng cao. Sân khấu được gọi là "thủy đình", mô phỏng kiến trúc thủy đình chùa Thầy, là nơi nghệ sĩ ẩn mình, điều khiển những con rối qua những thanh tre chìm dưới nước.

Trong kho tàng múa rối nước của Việt Nam có khoảng 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm những tiết mục hiện đại khác; trong đó phường rối Đồng Ngư thường biểu diễn 12 tiết mục kể về cuộc sống lao động thường nhật của người Việt, gọi là “tích trò”. Những tích trò về hái cau mời trầu, chăn trâu ngoài đồng, múa rồng phượng, tứ linh,... chính là những biểu hiện sống động của văn hóa - văn minh lúa nước, là hồn, là cốt, là tinh túy của dân tộc ta lưu giữ suốt hàng ngàn năm nay.

Trăn trở với rối nước

Múa rối nước, dù vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ đối với công chúng trong và ngoài nước, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách khiến nghệ nhân Nguyễn Đăng Hùng trăn trở. "Khó khăn lớn nhất là truyền nghề. Hiện nay, phường rối của chúng tôi có 16-17 người thường xuyên biểu diễn, hầu hết đều đã ở tuổi trung niên, ít người trẻ tham gia. Nghề này đòi hỏi sức khỏe, sự khéo léo, và khả năng hát, diễn sao cho khớp với con rối. Làm sao để thế hệ trẻ yêu và giữ nghề, đó là điều chúng tôi luôn băn khoăn," ông Hùng chia sẻ.

Các nghệ sĩ chào khán giả khi kết thúc chương trình múa rối nước. Ảnh: Phương Mai.

Bên cạnh việc truyền nghề, rối nước cũng cần phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác đang phát triển rất mạnh. Có những ngày biểu diễn rối nước, phường Đồng Ngư chỉ bán được loanh quanh chục vé, đặt ra thách thức lớn cho việc duy trì hoạt động của cả phường gần hai mươi người.

Anh Minh, một khách xem rối nước chia sẻ: “Tôi rất thích xem múa rối nước, nhưng thực sự ngày nay có quá nhiều cách để giải trí. Chẳng hạn mới vừa rồi có concert thu hút hàng chục nghìn người đi xem, hoặc các chương trình truyền hình thực tế trên tv cũng hấp dẫn không kém,... Đó là một sự cạnh tranh mạnh mẽ với các loại hình nghệ thuật truyền thống, đòi hỏi cần có những sự thay đổi trong cách tiếp cận để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa.”

Sự chuyển mình trong thời đại mới

Không thể để một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như múa rối nước nằm im trong kỷ nguyên văn hóa trỗi dậy của dân tộc, nhiều sáng kiến mới đã ra đời, kết nối nghệ thuật truyền thống với nhịp sống đương đại.

Nhiều tour du lịch cho khách quốc tế lồng ghép khám phá vẻ đẹp văn hóa Việt Nam như tour du lịch đến Nhà hát múa rối Thăng Long hay tour du lịch đến Bảo tàng Dân tộc học. Đây là một cách hiệu quả để vừa tạo nguồn thu vững chắc cho nghệ nhân múa rối nước, vừa giới thiệu những nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Bà Sabreno, khách du lịch từ Pháp chia sẻ khi xem múa rối nước: “Đây là lần đầu tiên tôi xem múa rối nước, và cũng là lần đầu tôi thấy một sân khấu được dựng ở dưới nước thế này. Những tiết mục giúp tôi hiểu hơn về văn hóa và cuộc sống của người Việt Nam. Tôi thích nhất là tiết mục múa rồng, khi hai con rồng phun nước là phun lửa, rất thú vị, rất ngầu!”

Nhiều người trẻ hiện nay cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Mới đây, một nhóm sinh viên từ trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã kết hợp với Bảo tàng Dân tộc học và Phường rối Đồng Ngư đã tổ chức sự kiện “Vân nước - Dáng mộc” để giới thiệu nghệ thuật rối nước truyền thống tơi đông đảo công chúng. Sự kiện đã thu hút nhiều bạn trẻ và du khách tham quan bảo tàng tới trải nghiệm tô rối mộc và xem rối nước.

Một du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động khám phá rối nước trong chương trình Vân nước - dáng mộc của các bạn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phương Mai.

Các cấp chính quyền cũng đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc bảo vệ nghệ thuật truyền thống, từ việc tôn tạo phường rối đến phong danh hiệu nghệ nhân cho các nghệ sĩ múa rối nước. Những con rối, dụng cụ liên quan đến rối được trưng bày, giới thiệu nhiều hơn tới công chúng. Những nhà thờ tổ nghề rối cũng được xây dựng trang trọng trong niềm vui của các nghệ nhân nhiều đời gắn bó với rối.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nghệ thuật truyền thống đang tìm lại vị thế của mình trong thời đại mới. Để múa rối nước không chỉ sống mãi trong quá khứ mà còn vươn xa trong tương lai, cần sự kết hợp giữa sáng tạo nghệ thuật, sự hỗ trợ từ cộng đồng và lòng nhiệt huyết của nhiều thế. Múa rối nước không chỉ là một môn nghệ thuật, mà còn là lời kể về đời sống, văn hóa của dân tộc, xứng đáng được gìn giữ và lan tỏa trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN