Ngày 8/12, tỉnh Bình Thuận đã thông qua quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn 2050, với mục tiêu đưa nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm, mang lại nguồn thu ngân sách lớn. Mũi Né là điểm đến nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến từ sau sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995, lâu nay nằm trong phạm vi ba phường: Phú Hài, Hàm Tiến và Mũi Né của TP. Phan Thiết.
Với quy hoạch mới, Mũi Né mở rộng ra phía bắc và phía tây, bao gồm: 6.625ha của TP. Phan Thiết (các phường Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài và xã Thiện Nghiệp); 7.165ha của huyện Bắc Bình (hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong) và 970ha của huyện Tuy Phong (thị trấn Phan Rí Cửa).
Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ có diện tích là 14.760ha. Việc quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng hướng đến chức năng hình thành trung tâm du lịch gắn với phát triển đô thị tại khu vực với động lực phát triển chính là du lịch.
Khu du lịch quốc gia này sẽ hình thành ba phân khu: Khu đô thị du lịch biển Phú Hài – Hàm Tiến; Khu đô thị du lịch Mũi Né – du lịch ven biển Nam Hồng Phong; Khu trung tâm đô thị Hòa Thắng. Nơi đây sẽ phát triển các loại hình du lịch biển, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, sinh thái nông nghiệp, văn hóa và cộng đồng, thương mại.
Khu đô thị du lịch Phú Hài - Hàm Tiến (quy mô diện tích hơn 1.900ha) sẽ có tính chất là trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển quốc gia, đẳng cấp quốc tế. Vì vậy phân khu này sẽ hướng đến khai thác lợi thế phát triển các khu đô thị gắn với dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, tài chính, ngân hàng... Trong khi Khu đô thị du lịch Mũi Né - Du lịch nghỉ dưỡng ven biển Nam Hồng Phong (diện tích gần 5.300 ha) được định hướng với tính chất là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển quốc gia, đẳng cấp quốc tế.
Với Khu trung tâm đô thị Hòa Thắng (khoảng hơn 6.125ha) có chức năng là khu vực bảo vệ và phát huy giá trị danh thắng Bàu Trắng và các khu vực có cảnh quan tự nhiên đặc trưng “đồi cát”, sa mạc giữa lòng đô thị. Đây cũng là khu vực được định hướng phát triển đô thị du lịch mới, tập trung phát triển những tổ hợp khu đô thị du lịch đa năng gắn với sản phẩm du lịch cao cấp, độc đáo mà đặc biệt là nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí…
Tỉnh Bình Thuận sẽ đầu tư một bến du thuyền tại Tuy Phong, ba bến du thuyền tại Bắc Bình, 4 bến du thuyền tại Phan Thiết, cùng hệ thống đê kè chống sóng và xói lở giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ và tôn tạo bãi biển ở các khu du lịch.
Ngoài ra, tỉnh cũng hướng tới mục tiêu chiến lược là đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời đảm bảo bố trí không gian phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né phải thông thoáng, hiện đại, văn minh và xanh - sạch - đẹp, hấp dẫn… Đặc biệt ưu tiên các không gian công cộng dành cho người dân địa phương lẫn du khách, trong đó quan tâm bố trí ở cả ven biển và bên trong khu vực quy hoạch.