UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tây Ninh dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 theo hình thức BOT.
Quốc lộ 22 dài 58,25km nối TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Đây là tuyến giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam. Việc đầu tư nâng cấp giúp cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ và từ TP.HCM đi Tây Ninh, qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang Campuchia và các nước khu vực ASEAN.
Theo UBND TP.HCM, hiện có 4 liên danh chủ đầu tư đề xuất các mức vốn khác nhau, từ khoảng 8.500 đến hơn 9.500 tỷ đồng.
Liên danh 1: Đề xuất làm tuyến đường với mặt cắt ngang rộng 60m trên địa bàn TP.HCM và nâng cấp mặt đường, thoát nước theo bề rộng hiện hữu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, còn xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 15m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 9.505 tỷ đồng, trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.548 tỷ.
Liên danh 2: Đề xuất mặt cắt ngang đường 60m trên địa bàn TP.HCM và nâng cấp mặt đường, thoát nước theo bề rộng hiện hữu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 9,5m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 8.630 tỷ, trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.249 tỷ.
Liên danh 3: Đề nghị làm mặt cắt ngang đường 60m trên địa bàn TP.HCM và nâng cấp mặt đường, thoát nước theo bề rộng hiện hữu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 17m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 16,5m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 6.582 tỷ, trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.358 tỷ.
Liên danh 4: Đề nghị làm mặt cắt ngang đường 60m trên địa TP.HCM và nâng cấp mặt đường, thoát nước theo bề rộng hiện hữu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 12,25m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 15m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 8.563 tỷ, trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.044 tỷ.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM lại đề xuất: Toàn tuyến Quốc lộ 22 với chiều dài 58,25km đi qua địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Mở rộng mặt đường đủ 60m đối với đoạn đi qua địa bàn TP.HCM (lộ giới quy hoạch 60m và 120m) và nâng cấp mặt đường, thoát nước theo bề rộng hiện hữu đối với đoạn đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Cấp công trình phải đạt cấp II, vận tốc thiết kế 80km/h, xây dựng cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25m, các nút giao khác giao bằng. Trong khi đó Cầu An Hạ phải mở rộng thêm 15m mỗi bên của cầu hiện hữu, các cầu còn lại giữ nguyên hiện trạng.
Từ các phương án trên, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT và tỉnh Tây Ninh có ý kiến về phạm vi và quy mô đầu tư dự án trước khi TP.HCM phê duyệt đề xuất dự án và triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trước đó, cuối năm 2018, chính quyền TP.HCM đã đưa bản đề xuất mở rộng Quốc lộ 22 đoạn từ TP.HCM (theo lộ giới quy hoạch 60m và 120m). Đoạn từ tỉnh Tây Ninh sẽ được nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước. Dự kiến với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng, với từng đoạn chi tiết:
Tuyến 1: Đoạn từ TP.HCM - Trảng Bàng, quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh và tốc độ thiết kế 120km/giờ.
Tuyến 2: Đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài, theo mô hình đường cao tốc hạn chế 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ.
Theo như kế hoạch thì dự án nâng cấp mở rộng này sẽ được phê duyệt vào năm 2020 và thông xe hoàn thiện vào năm 2025. Tuy nhiên, theo như Nghị quyết mới đầu năm 2018, hợp đồng BOT sẽ chỉ được đưa vào áp dụng với những công trình mới, không áp dụng đối với những tuyến đường nâng cấp cải tạo để thu phí. Do đó, Quốc lộ 22 bị tạm ngưng để Bộ GTVT tìm ra mô hình đầu tư và dự trù kinh phí cho thích hợp.