Mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP của dự án Lifsap

(NTD) - Bộ NN- PTNT triển khai, định hướng phát triển dự án Lifsap theo tiêu chuẩn GAP những năm gần đây có nhiều biến chuyển tích cực tại TP.HCM.

 Mục tiêu chung của dự án Lifsap là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua việc tăng năng suất cũng như chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Dự án ngày càng thu hút nhiều người tham gia ủng hộ. Ghé thăm một trang trại heo của anh Trần Văn Tâm (đường Cây Gõ, ấp Phú Trung, xã An Phú, huyện Củ Chi), thoạt nhìn sẽ bình thường như những trại heo khác. Thế nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy đàn heo nhà anh được nuôi trong điều kiện nhiệt độ ổn định với hệ thống làm mát bằng nước ngay phía đầu trại. Cuối trang trại là hệ thống quạt hút gió, bên trên có la-phông mái để ngăn nắng nóng cho đàn heo. Ngoài ra, hệ thống thức ăn nước uống cho heo đều được cung cấp tự động.

Anh Tâm cho biết chăn nuôi heo theo quy trình GAP giúp người nuôi khắc phục triệt để những nguy cơ xâm nhập của mầm bệnh. Hiện tại gia đình tôi nuôi gần 100 heo nái và 1000 con heo thịt nhưng nếu so với trước đây thì mình giảm bớt được công chăm sóc, tiết kiệm chi phí và mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Không những thế còn có thể tận dụng nguồn phân heo thải ra để thiết kế 2 hầm biogas. 

 Quy trình chăn nuôi GAP theo yêu cầu của dự án LIFSAP (Ảnh Internet).

 Từ việc nuôi heo theo quy trình khép kín, đã mang đến cho anh nguồn thu nhập ổn định khi mỗi tháng đều đặn anh đều xuất một lứa heo cho công ty An Hạ. Tại thời điểm giá heo hơi đạt 35.000 đồng/ký, mỗi con heo có thể mang lại lợi nhuận khoảng từ 200-400 ngàn đồng. 

Với những kết quả vượt bậc, quy trình chăn nuôi heo của nhà anh Tâm đã hấp dẫn nhiều hộ nông dân trong vùng học hỏi và áp dụng. Xã An Phú huyện Củ chi đã có thêm 14 hộ chăn nuôi khác áp dụng mô hình dự án này.

Mục tiêu chung của dự án là phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cung cấp nguồn thịt heo sạch, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Ngọc

Nên đọc