Mộ cổ vua Lê chứa thi hài hơn 200 năm vẫn nguyên vẹn, bên trong có nhiều bảo vật, từng gây chấn động giới khảo cổ và sử học Việt Nam

Dù đã qua hàng trăm năm, các khớp xương của xác ướp vẫn còn có thể co duỗi mềm mại và nhiều vùng da thịt vẫn còn đàn hồi…

Vào một buổi chiều tháng 2/1958, một nông dân ở thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, khi đang đào trong vườn nhà, đã phát hiện một chiếc quách. Sau khi phá vỡ một phần, ông thấy lộ ra chiếc quan tài sơn son thếp vàng. Điều đặc biệt là thay vì mùi hôi thối như các ngôi mộ khác, ngôi mộ này lại tỏa ra một hương thơm nhẹ nhàng.

Người nông dân nhanh chóng báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, sau đó, sự việc đã được trình lên cơ quan Trung ương.

Mộ vua Lê Dụ Tông được phát hiện từ năm 1958 nhưng đến năm 1964 mới được khai quật. Ảnh tư liệu

Thực hiện chỉ thị từ Phủ Thủ tướng, các cán bộ bảo tồn và bảo tàng đã sử dụng xi măng để hàn kín những phần đã bị phá vỡ và giao ngôi mộ cổ lại cho địa phương quản lý, bảo vệ.

Trong những năm sau đó, do yêu cầu sản xuất của địa phương, an toàn của ngôi mộ bị đe dọa. Được sự cho phép từ cấp trên, đội khảo cổ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khai quật và đưa chiếc quan tài nguyên vẹn về Viện Bảo tàng Lịch sử vào năm 1964.

Chiếc quách được làm từ hỗn hợp gồm vôi sò, cát, mật và gạch non được giã nhỏ, sau đó trộn đều và nén chặt quanh 6 mặt quan tài, tạo nên một khối cứng chắc như bê tông.

Sau quá trình kiểm tra và đối chiếu, các chuyên gia xác định chủ nhân của ngôi mộ là vua Lê Dụ Tông

Ngày 2/4/1964, Viện Bảo tàng Lịch sử đã tổ chức buổi mở nắp quan tài với sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Chiếc quan tài được chế tác từ gỗ Ngọc Am, còn gọi là Pơ Mu. Bên trong, các vách quan tài đều được lót thêm một lớp ván mỏng cùng loại gỗ, giúp tăng độ kín.

Long bào của vua Lê Dụ Tông. Ảnh tư liệu

Quan tài có hai đáy. Ở giữa hai đáy là một lớp gạo rang dày 10cm, phía trên được phủ một tấm ván dày 2cm với 7 lỗ tròn sắp xếp theo hình chòm sao Bắc Đẩu.

Các loại túi gấm trong quan tài. Ảnh tư liệu

Thi hài được bọc trong nhiều lớp áo quần và vải, vẫn giữ nguyên trạng. Ngoài cùng là chăn bông vỏ gấm, tiếp đến là các lớp áo hoàng bào thêu hình rồng năm móng, khăn gấm thêu hình rồng và tấm bia đá khắc dòng chữ: Lê triều Dụ Tông hoàng đế. Chỉ riêng áo mặc đã có tới 18 chiếc, cùng 10 lớp vải liệm khác. Đây là những sắc phục thời Lê đầu tiên mà Bảo tàng Lịch sử sở hữu.

Một trong những hiện vật quan trọng nhất là chiếc hoàng bào thêu rồng vẫn giữ tươi màu vàng óng với lấp lánh sợi thêu kim tuyến và sợi tơ nhuộm màu ngũ sắc. Ảnh tư liệu

Thi hài còn đi tất lụa, giày gấm thêu với lớp lót bằng da thuộc mỏng. Đầu gối gối lên một chiếc gối gấm nhồi bông, hai tai được nút bằng bông bọc lụa, mặt phủ một tấm vải gấm thêu rồng với chữ "Thọ" ở giữa và bốn chữ "Vạn" ở bốn góc, biểu tượng của nhà Phật (hiện vật này cùng với mái tóc cắt ngắn khẳng định việc Lê Dụ Tông cuối đời có đi tu).

Khi lớp vải che mặt được nhấc lên, da mặt vua Lê Dụ Tông có màu xám nhạt, sau vài phút chuyển sang màu xám đều như toàn thân. Dù thi hài có chút teo lại, nhưng các khớp vẫn mềm mại, các ngón tay có thể gập duỗi. Môi đã teo, để lộ hàm răng đen, một vài chiếc đã rụng. Râu cằm vẫn còn đen, lấm tấm vài sợi bạc (Lê Dụ Tông mất khi 52 tuổi).

Mộ vua Lê Dụ Tông được phát hiện từ năm 1958 nhưng đến năm 1964 mới được khai quật. Xác ướp của ông được bảo quản tại tầng hầm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong suốt 46 năm trước khi được hoàn táng tại Thanh Hóa vào tháng 1/2010.

Vào ngày 11 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (25/1/2010), lễ nhập quan và tổ chức đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã được thực hiện một cách trang trọng. Ảnh: Gia đình và Xã hội

Vua Lê Dụ Tông sinh năm 1679, là con cả của vua Lê Hy Tông. Năm Ất Dậu (1705), ông chính thức lên ngôi, lấy hiệu là Vĩnh Thịnh, đến năm năm 1720, đổi niên hiệu là Bảo Thái. Năm 1729, vua Lê Dụ Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Phường.

Nhà vua mất vào tháng Giêng năm Tân Hợi (1731), hưởng thọ 52 tuổi. Ban đầu, ông được táng ở lăng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Đông Sơn, sau được dời đi táng ở Lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Vua Lê Dụ Tông chính là cha của Lê Duy Mật - lãnh tụ cuộc khởi nghĩa lớn chống chúa Trịnh ở Thanh Hoá vào giữa thế kỷ XVIII.