Tại thời điểm 31/3/2023, cho vay khách hàng tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đạt 481.386 tỷ đồng, tăng 4,5% so với 31/12/2022. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn tại MB với tỷ trọng 49,3%; nợ dài hạn chiếm tỷ trọng 35,6% và còn lại 15,1% thuộc về nợ trung hạn.
Về đối tượng đang vay vốn tại MB: Hộ kinh doanh, cá nhân đang chiếm tỷ trọng 47,55% tổng dư nợ; CTCP và Công ty TNHH tư nhân là những nhóm khách hàng lớn tiếp theo với tỷ trọng 25,2% và 17,13%...
Khách hàng vay vốn tại MB với hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm tỷ trọng 31,77%; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ trọng 26,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 15,69%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 7,12%; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,79%...
Kết thúc quý 1, tổng nợ xấu của MB đạt 8.453 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu quý. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,76%, tăng 0,66 điểm phần trăm.
Ngoài cho vay khách hàng, MB còn giữ vị trí quán quân về tổng tài sản trong các ngân hàng tư nhân niêm yết. Tổng tài sản đạt 760.761 tỷ đồng, tăng 4,4%.
Tiền gửi của khách hàng tại MB đang xếp thứ hai trong các ngân hàng tư nhân niêm yết với 452.415 tỷ đồng, tăng 2%. Tiền gửi của khách hàng cá nhân đang chiếm tỷ trọng 59,7% so với 40,3% của tổ chức kinh tế. Trong quý vừa qua, MB chứng kiến tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm đến 16.766 tỷ đồng nhưng được bù đắp bằng tiền gửi của cá nhân tăng 25.575 tỷ đồng.
Ngoài ra, MB cũng chứng kiến sự dịch chuyển của tiền gửi không kỳ hạn sang tiền gửi có kỳ hạn. Tiền gửi không kỳ hạn bằng VND giảm từ mức 34,3% tại thời điểm 31/12/2022 xuống còn 29,6% tại thời điểm 31/3/2023. Tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tăng từ mức 58,3% lên 63,4%. Điều này đã ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần của MB trong quý 1/2023.
Quý 1, MB ghi nhận thu nhập lãi thuần và khoản thu nhập tương tự tăng 49% YoY (tăng 5.719 tỷ đồng) nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng đến 118,3% YoY (tăng 3.877 tỷ đồng) nên thu nhập lãi thuần chỉ tăng 22% YoY (tăng 1.842 tỷ đồng), đạt 10.227 tỷ đồng và chiếm 85,7% trong cơ cấu tổng thu nhập hoạt động của MB.
Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần ghi nhận sự tăng trưởng 125,2% YoY (tăng 2 tỷ đồng) nhưng sự đóng góp vào tổng thu nhập là không đáng kể.
Các hoạt động còn lại của MB đều ghi nhận tăng trưởng âm trong quý 1/2023 với mức sụt giảm 1.547 tỷ đồng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 38,3% YoY (-427 tỷ đồng); lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 20,6% YoY (-96 tỷ đồng); lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 62,8% YoY (-63 tỷ đồng); lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 86,8% YoY (-890 tỷ đồng); lãi thuần từ hoạt động khác giảm 13,2% YoY (-71 tỷ đồng).
Quý 1, MB ghi nhận 11.930 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 2,6% YoY (tăng 297 tỷ đồng). Tuy nhiên, chi phi hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều giảm 0,8% YoY (giảm 30 tỷ đồng) và 13% YoY (giảm 276 tỷ đồng) đã giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 10,2% (tăng 602 tỷ đồng), đạt 6.512 tỷ đồng.
Với 6.512 tỷ đồng đạt được, lợi nhuận trước thuế của MB xếp thứ ba trong 27 ngân hàng niêm yết, chỉ xếp sau Vietcombank (11.221 tỷ đồng) và BIDV (6.920 tỷ đồng).
Hiện nay, cổ phiếu MBB của MB đạt 18.450 đồng/cổ phiếu, tăng 7,9% so với đầu năm. Ở mức giá này, vốn hóa của MB đạt 83.652 tỷ đồng.
Năm 2023, MB đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 15%, đạt 26.100 tỷ đồng
Năm nay, MB đặt chỉ tiêu vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng; Tổng tài sản tăng 14%, đạt 830.000 tỷ đồng; Tăng trưởng huy động vốn phù hợp nhu cầu sử dụng vốn, đạt 591.000 tỷ đồng; Tín dụng dự kiến tăng 15%, đạt 583.600 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 15%, đạt 26.100 tỷ đồng.