Luật Di sản văn hóa sửa đổi: Tạo đột phá với quỹ bảo tồn và thanh tra chuyên ngành

(CL&CS) - Với 413/422 phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây là bước ngoặt quan trọng, đặt nền tảng mới cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt qua hai điểm nhấn: thành lập quỹ bảo tồn di sản và triển khai thanh tra chuyên ngành.

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa: Cánh tay nối dài của cộng đồng

Việc thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa đã nhận được sự đồng thuận lớn tại nghị trường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, quỹ sẽ là công cụ quan trọng giúp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các hoạt động đặc thù trong bảo tồn di sản mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: QH

Quỹ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ thiết yếu như: Bảo vệ di sản phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; Mua lại di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc tư liệu quý từ nước ngoài về nước.

Nguồn tài chính của quỹ đến từ sự đóng góp, tài trợ, viện trợ hợp pháp từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, ngân sách nhà nước không sử dụng trực tiếp để hỗ trợ các hoạt động của quỹ, đảm bảo quỹ hoạt động độc lập, hiệu quả.

Để phù hợp với từng địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc thành lập quỹ bảo tồn dựa trên tình hình thực tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đây là cơ chế cần thiết để tạo điều kiện cho di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy đúng với giá trị vốn có của nó.

Thanh tra chuyên ngành: “Lá chắn” bảo vệ di sản

Một điểm nhấn quan trọng khác trong luật sửa đổi là việc thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, lĩnh vực di sản văn hóa rất phức tạp và đa dạng, đòi hỏi đội ngũ thanh tra có chuyên môn sâu và nghiệp vụ vững vàng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm, đồng thời bảo vệ hiệu quả di sản.

Di sản Huế được bảo vệ và trùng tu tốt hơn nhờ Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh: Tường Minh

Cơ quan thanh tra chuyên ngành sẽ được đặt tại cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở trung ương, đảm nhận các nhiệm vụ như: tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong lĩnh vực di sản. Chính phủ sẽ ban hành các quy định chi tiết để đảm bảo cơ chế này được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Việc thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi không chỉ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong bảo vệ di sản văn hóa mà còn mở ra những giải pháp đột phá để kết nối nguồn lực từ cộng đồng và nâng cao hiệu quả quản lý.

Luật mới kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ, không chỉ giúp di sản văn hóa “hồi sinh” mà còn góp phần phát triển văn hóa, du lịch, đưa di sản trở thành niềm tự hào và nguồn lực phát triển bền vững cho đất nước.

TIN LIÊN QUAN