Long An sẽ có khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ?

(CL&CS) - Với diện tích được dự tính quy hoạch trên 32.300ha, Khu kinh tế Long An nếu được hình thành sẽ thừa hưởng tất cả những thuận lợi về vị trí địa lý mà Long An đang có để phát triển kinh tế.

Mới đây, tại buổi tòa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” do UBND tỉnh Long An tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng, với diện tích được dự tính quy hoạch trên 32.300ha, Khu kinh tế Long An nếu được hình thành sẽ thừa hưởng tất cả những thuận lợi về vị trí địa lý mà Long An đang có để phát triển kinh tế.

Cảng quốc tế Long An sẽ là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ tập kết và phân phối hàng hóa bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Theo định hướng, toàn tỉnh sẽ chia ra 3 phân khu với chức năng riêng biệt. Ngoài TP Tân An là trung tâm, các huyện vùng Đồng Tháp Mười gồm Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa sẽ thành vùng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến.

Các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành là vùng đệm sinh thái giữa hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, sẽ là nơi phát triển năng lượng tái tạo và đô thị sinh thái bên sông. Các huyện còn lại giáp TP.HCM gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước sẽ trở thành các đô thị vệ tinh và các khu, cụm công nghiệp.

Khu kinh tế Long An dự tính quy hoạch rộng 32.300 ha đất nằm trên 2 huyện Cần Giuộc (19.200ha) và Cần Đước (13.100ha) sẽ nằm ngay cạnh TP.HCM, là điểm kết nối chính của khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM, đã được kết nối hạ tầng giao thông khá thuận lợi với Cảng quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp và hàng loạt hệ thống tỉnh lộ đã được xây dựng kết nối với các tuyến quốc lộ 50, quốc lộ 1... Không chỉ thế, đây còn là khu vực khởi đầu cho tuyến đường biển duyên hải miền Tây trong tương lai.

Theo ông Bùi Đào Thái Trường, Phó tổng giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á, đây được kỳ vọng là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ, đủ quy mô để tận dụng nguồn vốn FDI từ các nước Đông Á với nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao, dễ kết nối các khu công nghiệp tại miền Nam, tham gia vào các chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao.

Đồng thời cho rằng với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, Khu kinh tế Long An có thể trở thành siêu khu kinh tế kết nối các khu vực quan trọng như các thành phố công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ hay các thành phố du lịch như TP.HCM, Vũng Tàu, Phnom Penh (Campuchia).

Ông Nguyễn Văn Được, bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, tỉnh này đang mạnh dạn định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao trên địa bàn và gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc để làm nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao. 

Khu kinh tế này sẽ được quy hoạch theo các phân khu chức năng gồm 2 khu đô thị vệ tinh ở trung tâm 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Phần ở giữa sẽ là khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao. 

Các khu vực xung quanh sẽ tương thích với các khu đô thị phụ trợ, khu công nghiệp - cảng biển quốc tế ở phía đông, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía tây và phía nam là khu đô thị sinh thái.

TIN LIÊN QUAN