Lá tre của cây tre thuộc họ cỏ, lớp thực vật một lá mầm. Để làm thuốc người ta thu hái lá tre khi phiến lá chưa mở hết, màu xanh mởn. Dùng tươi hoặc khô với tên thuốc là trúc diệp. Lá tre dưới dạng búp hoặc đọt được gọi là trúc diệp quyển tâm. Trúc diệp có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lành có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt. Ngoài ra có thể dùng lá tre cùng với một số lá có tinh dầu, cho mùi thơm, như lá sả, lá hương nhu, bạc hà, khuynh diệp… làm thuốc xông hơi.
Ngoài ra, lá tre còn có tác dụng dự phòng viêm não, chữa bệnh huyết áp, chữa ho suyễn, ho khan hoặc trúng phong cấm khẩu, chữa viêm màng phổi có tràn dịch, chữa mất ngủ tâm phiền hồi hộp, chữa viêm bàng quang cấp tính,...
Các loại lá chuối, lá tre, lá chanh ở Việt Nam rất phổ biến, giá bán rất rẻ. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu, những loại lá này rất hiếm, giá đắt đỏ mà nhiều khi không mua được.
Lá tre không chỉ có tác dụng chữa nhiều loại bệnh mà còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu lá tre trong tháng 2/2023 đạt 133.000USD, tăng tới 1149,9% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lá tre đạt 203.000 USD, tăng 302,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, lá tre vốn được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng vì chúng dùng để gói bánh, gói thực phẩm hay trang trí thức ăn. Lá tre xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách.
Hiện, giá lá tre tươi xuất khẩu khoảng 10.000 đồng/kg, cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ. Được biết, trên các trang thương mại điện tử như Alibaba, Shopee có thời điểm lá tre của Việt Nam được bán với giá 3-5 USD/kg.