Lộ diện khu vực 'tỏa sáng' nhất của thị trường bất động sản Hà Nội

Có hàng loạt lý do khiến khu vực này của Thủ đô Hà Nội có giao dịch bất động sản sôi động nhất thị trường.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam năm 2022-2023, bất động sản phía Tây Hà Nội áp đảo về nguồn cung và giao dịch, trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của thành phố. Từ năm 2011 đến nay, một số quận ở khu vực phía Tây như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy dẫn đầu thị phần nguồn cung với khoảng 30%. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực có nguồn cung văn phòng lớn nhất Thủ đô với 50% thị phần, tương đương 873.700m2.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, tốc độ tăng giá của căn hộ phía Tây Hà Nội từ năm 2021 đến nay cũng cao hơn các khu vực khác trung bình 7-15%. 

Bất động sản phía Tây Hà Nội áp đảo về nguồn cung và giao dịch. Ảnh: Internet

Về mức giá căn hộ, theo báo Lao Động, báo cáo của một số đơn vị bất động sản cho thấy trong 3 năm gần đây, căn hộ phía Tây Hà Nội, có mức tăng trung bình đạt 300-700 triệu đồng/căn. Với những căn có vị trí trung tâm đắc địa, khan hiếm nguồn hàng sơ cấp và chuyển nhượng, mức tăng đã đạt tới trên 1-1,5 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, các dự án ở khu vực khác của Thủ đô như phía Nam, phía Đông và phía Bắc, trong 3 năm qua mức tăng trung bình là 200-600 triệu đồng/căn.

Đặc biệt, sức hút của bất động sản khu vực này lớn hơn khi chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt "ông lớn" bất động sản như Vingroup, MIK Group, Bitexco, Vinaconex... đã đổ bộ nơi đây và góp phần tạo nên làn sóng chuyển dịch an cư tới các trung tâm đô thị mở, góp phần giảm tải áp lực cho vùng lõi Thủ đô. Đáng chú ý, việc đáp ứng nhu cầu ở thực chất lượng cao đã giúp thị trường bất động sản phía Tây ghi nhận lượng quân tâm đáng kể từ cả cộng đồng chuyên gia nước ngoài.

Imperia Smart City - dự án do MIK Group phát triển tọa lạc tại phía Tây Hà Nội. Ảnh: MIK

Sức hút của thị trường bất động sản mà cụ thể là thị trường căn hộ phía Tây Hà Nội sôi động phần lớn còn là nhờ quy hoạch giao thông, hạ tầng của Thủ đô. Các tuyến đường giao thông lớn dần hình thành kết nối khu vực này với trung tâm thành phố như Đại Lộ Thăng Long, Đường 32, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu - Lê Văn Lương. Đầu tháng 4 vừa qua, tuyến đường Lê Quang Đạo (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, đến vị trí ranh giới khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) đã được thông xe kỹ thuật và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10/2024.

Cùng với đó, dự án đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng cũng đã được được khởi công trong quý II/2023. Đường Vành đai 4 cũng đang được triển khai, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động năm 2027. Đây cũng là 2 dự án trọng điểm, góp phần thay đổi diện mạo khu vực phía Tây thành phố và kết nối các tuyến đường Bắc - Nam. 

Quy hoạch nút giao đại lộ Thăng Long và vành đai 3.5. Ảnh minh họa

Bên cạnh đường bộ, đường sắt khu vực này cũng đang được đầu tư. Tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, chiều dài 38,43km khi được hoàn thành vào năm 2025 sẽ góp phần gia tăng sự khởi sắc cho phía Tây Hà Nội.

Không chỉ có hệ thống giao thông được đầu tư phát triển, hạ tầng khu vực phía Tây cũng trở thành điểm nhấn ấn tượng. Khu vực này tập trung nhiều cơ quan Bộ ngành, tập trung lượng lớn công ty, văn phòng, trường đại học, cao đẳng… với nhu cầu nhà ở lớn. Theo “Đồ án Quy hoạch lớn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”, Hà Nội sẽ dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm như xu hướng chung của các thành phố lớn trên thế giới mà phía Tây sẽ được quy hoạch là trung tâm hành chính, thương mại mới.