Liều thuốc “giải cứu” phải thực sự cần cho nông sản Việt

(NTD) - Giá thanh long ở nhiều nơi đã rớt xuống 500 đồng/kg vẫn rất khó tìm người mua, có chỗ phải đổ cho bò ăn. Việc kêu gọi “giải cứu” thanh long lại bắt đầu rộ lên trên các diễn đàn, mạng xã hội. Không ít lời kêu gọi người tiêu dùng và doanh nghiệp chung tay mua thanh long hỗ trợ nông dân. Nhưng điệp khúc “giải cứu” có nên lặp lại ngày càng nhiều như thế?

Mấy năm gần đây, năm nào ít nhất cũng 4-5 đợt kêu gọi “giải cứu” hết nông sản này đến thực phẩm kia. Từ chuối, dưa hấu, hành tím… đến thịt heo, bí đỏ; mùa nào thức ấy, người tiêu dùng chưa “giải cứu” xong đợt này đã chuẩn bị cho dịp kế tiếp! Và hiện nay thì thứ trái cây đã từng giúp nhiều nông dân ở Bình Thuận, Long An đổi đời, từng được thị trường nước ngoài ưa chuộng lại lâm vào cảnh phải kêu cứu.

Tại các vùng trồng thanh long lớn nhất Bình Thuận là huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, cảnh nông dân mang thanh long đổ bỏ khá nhiều. Thanh long bỏ chất đống trên các lề đường, trong các bãi rác bốc nồng nặc mùi hôi. Một số địa phương chuyên canh cây thanh long như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… cũng không thoát khỏi thảm cảnh này.

Nguyên nhân chính là do phía Trung Quốc mua nhỏ giọt, có lúc ngưng hẳn qua đường tiểu ngạch vì nguồn cung quá nhiều. Không chỉ vùng Đông Nam bộ trúng mùa mà các vùng trồng thanh long ở Trung Quốc cũng đang vào mùa thu hoạch rộ. Ngoài ra, nông dân Campuchia cũng được mùa thanh long khiến xuất khẩu của Việt Nam bị dội chợ. Tỉnh Bình Thuận hiện là địa phương cung cấp thanh long cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000ha, sản lượng hơn 600.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 80% được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên chỉ cần bên bạn ngừng một ngày là cả nông dân lẫn thương lái lao đao

Hiện nay, hầu hết chủ vựa đã tạm ngừng thu mua vì hàng hóa tại cửa khẩu gần như không xuất được. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng như cơ quan liên quan đến nay vẫn chưa có động thái nào hỗ trợ hữu hiệu người nông dân vượt qua khó khăn này. Họ vẫn đang tự bơi và trông chờ vào thị trường Trung Quốc là chính. Đây không chỉ là tình cảnh của riêng nông dân trồng thanh long mà hầu hết các nông sản khác đều rơi phải “vết xe đổ” này.

 
Không thể "giải cứu" nông sản mãi được mà nên để cung cầu quyết định.

Dù đã lên kế hoạch “giải cứu” thanh long nhưng ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng: “Phải có sự định hướng và tham gia của doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu và nhà sản xuất. Thứ nhất, quy hoạch vùng phải rõ ràng, có sự định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và quyết tâm thực hiện của sở NN-PTNT các địa phương. Thứ hai, phải đầu tư vô chuỗi giá trị để có thể xuất khẩu và chế biến được, đặc biệt đối với những loại nông sản có sản lượng lớn như thanh long, vải, nhãn. Thứ ba là phát triển xuất khẩu cho những mặt hàng này, tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc như lâu nay”.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lại cho rằng lỗi ở đây không phải hoàn toàn do nông dân mà còn do năng lực của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương trong việc nông sản ế đọng phải “giải cứu”. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, hai bộ này thiếu hệ thống cảnh báo, thông tin thị trường kịp thời và hiệu quả cho các ngành sản xuất nông sản. Riêng vấn đề nguồn cung thanh long vượt cầu dẫn đến ế, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng không cần giải pháp mà hãy để tự thị trường điều chỉnh; nông dân sản xuất nông sản không bảo đảm chất lượng, không liên kết tiêu thụ thì sẽ tự họ ngừng sản xuất, nguồn cung tự cân đối với nhu cầu...

Những lời cảnh báo như trên không mới nhưng dường như ít nơi chịu nghe và phối hợp thực hiện để rồi phải “giải cứu” liên tục như thời gian qua. Vận động, khuyến cáo và không “giải cứu” tràn lan thời gian đầu có thể gây “sốc” cho một bộ phận nông dân bị thất bát do không có đầu ra nhưng về lâu dài điều đó không chỉ tốt cho họ mà có ích cho cả nền nông nghiệp Việt Nam.

Một nền nông nghiệp bền vững, phát triển có chiều sâu và lành mạnh không thể kêu gọi lòng thương để “giải cứu” mãi được. Đó chỉ nên xem là giải pháp tình thế, nhất thời và dần dần xóa bỏ. Nếu cứ tiếp tục và chìa tay giúp đỡ vô điều kiện, các doanh nghiệp phân phối và cả người tiêu dùng sẽ vô tình hại nông dân, khiến họ ỷ lại. Hơn nữa nếu vài ba năm “giải cứu” một lần thì có thể chấp nhận chứ hàng hóa theo nhu cầu thị trường không thể mua mãi theo kiểu “từ thiện” như việc “giải cứu”. Có lẽ dần dần bỏ “giải cứu” là liều “thuốc đắng dã tật” cho ngành nông sản Việt Nam, dù muộn còn hơn không…

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT, hoạt động xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, không có chuyện Trung Quốc ngừng thu mua thanh long của Việt Nam.

Ông Hoàng Trung cho biết: “Hiện mỗi ngày, ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, có 13.000 tấn thanh long tươi của Việt Nam xuất qua Trung Quốc. Thời gian qua, các thủ tục, quy định về trình tự kiểm dịch cửa khẩu đối với mặt hàng quả thanh long vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ sự thay đổi nào ở cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc”.

PHAN NGUYỄN

 
Nên đọc