Tham dự và chủ trì hội thảo có TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng nhiều lãnh đạo các Hội ngành toàn quốc tham dự. Về phía Hội Khoa học và kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam có ông Phó Đức Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký tham dự.
TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN chủ trì hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, việc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp. Do đó, rất cần sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược sau này.
PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021 – 2030. Từ cuối năm 2020, các tổ chức xây dựng Chiến lược đã nhanh chóng được thành lập gồm: Ban Soạn thảo Chiến lược, Tổ Biên tập và Thường trực Tổ Biên tập.
Thời gian qua, Ban Soạn thảo đã chỉ đạo Tổ Biên tập triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể, đã đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, trong đó làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ xây dựng Chiến lược giai đoạn mới; tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO),… để trao đổi, hợp tác nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Chiến lược. Đồng thời, đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương (24 bộ, ngành và 63 địa phương) cùng tham gia cung cấp thông tin về nội dung xây dựng Chiến lược. Các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin đã được Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu cao nhất để thể hiện trong dự thảo Chiến lược.
Theo Thứ trưởng, việc xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hoá các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Còn TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, thực tế có một số mục tiêu của chiến lược giai đoạn 2011-2020 đã không đạt, do vậy khi xây dựng mục tiêu của chiến lược lần này, cần đưa ra các con số có tính khả thi cao. Ngoài ra, nên có phần dự báo các kịch bản không mong muốn có thể xảy ra, tránh được hạn chế đã xảy ra ở giai đoạn trước.
Các đại biểu tham dự hội thảo
TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đề xuất đưa vào chiến lược yêu cầu thành lập hội đồng KHCN quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành là thành viên. "Có như thế thì ý kiến của các nhà khoa học mới được triển khai dễ dàng. Các chính sách của địa phương phải dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ" - ông Rao nói.
Đối với việc phát triển các tổ chức KHCN, ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đề nghị cân nhắc giải pháp hình thành các đơn vị/nhóm đặc trách KHCN đa ngành. Các nhóm này có mục tiêu ứng dụng một nhiệm vụ nào đó, ví dụ như phát triển đường sắt cao tốc, vệ tinh cỡ nhỏ hay xây dựng đô thị thông minh...
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam thông tin, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối phát KHCN&ĐMST của Đảng, Nhà nước đã được ban hành; đặc biệt, bám sát và cụ thể hóa các nội hàm về lĩnh vực này trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh đó, ông Hồng cho hay về tổ chức thực hiện, bên cạnh Bộ Khoa học và Công nghệ cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, đề nghị bổ sung mục riêng cho Bộ GD-ĐT mà không xếp chung cùng nhóm các bộ, CQNB khacs, vì đào tạo và nghiên cứu khoa học cần phải gắn kết chặt chẽ, cần thúc đẩy sinh viên các trường đại học nghiên cứu khoa học, yêu cầu giáo viên phải nghiên cứu khoa học. Bộ GD-ĐT cũng quản lý trực tiếp số lượng lớn các trường đại học với nhiều cơ sở nghiên cứu, còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ dự thảo, các đại biểu vẫn còn một số vấn đề băn khoăn như: Mục tiêu lớn, giải pháp lớn nhưng nguồn lực để đảm bảo chưa phù hợp, nhất là từ nguồn Nhà nước. Vì sao chiến lược đã có nhiều, văn bản không thiếu nhưng việc đưa vào cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải chăng tính pháp lý chưa đủ? Các đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề chiến lực của Việt Nam mới ban hành về cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Tất cả có mối quan hệ như thế nào?
Sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay vô cùng nhanh chóng, nhiều công nghệ mới ra đời, nhiều công nghệ hội tụ vào nhau. Do vậy, theo ý kiến của các nhà khoa học cần làm rõ khái niệm thế nào là “Đổi mới sáng tạo”, nội hàm là gì, nó có đặc trưng gì, qui mô cấp nào, khi rõ những nội dung này thì mới được luật hóa và lúc đó mới vào cuộc sống được.