Sáng 12/12, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy và chuyên viên theo dõi ngành, lĩnh vực; các đồng chí Bí thư; đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh và các doanh nhân trên địa bàn tỉnh và 550 doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương biểu dương, ghi nhận và hết sức trân trọng cảm ơn những nỗ lực và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), các doanh nhân vào quá trình phát triển của tỉnh nhà thời gian qua.
Đồng chí Trần Đức Thắng nêu rõ, năm 2022 vừa qua là một năm với nhiều biến động, nhiều khó khăn, đặc biệt là sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, những ảnh hưởng từ bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào... Với sự đoàn kết, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, Hải Dương đã quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt ở mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng trưởng 9%. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 9/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước tăng 30% dự toán năm; hoạt động dịch vụ phục hồi khá nhanh; thực hiện tốt các chính sách xã hội và ổn định đời sống nhân dân; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong năm 2022, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các doanh nhân, DN với tinh thần và trách nhiệm cộng đồng đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp đỡ người khuyết tật; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tham gia công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công...
Đồng chí cũng cho biết, qua trao đổi, tiếp xúc, nắm bắt tình hình, lãnh đạo tỉnh nhận thấy cộng đồng DN đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về các vấn đề như: xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, đất đai môi trường, lao động việc làm, an ninh trật tự, thực hiện các chính sách thuế, phí… đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động của DN như cấp, gia hạn giấy phép đầu tư, tính giá đất các dự án kinh doanh bất động sản...
Những khó khăn, vướng mắc của DN đã được lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp tham mưu tháo gỡ; tuy nhiên, do còn có vướng mắc trong chính pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương, nên còn nhiều vấn đề đặt ra chưa giải quyết được dứt điểm hoặc tiến độ còn chậm. Bên cạnh đó, dù lãnh đạo tỉnh đã rất tích cực chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, song kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, mong muốn, điển hình như: thu hút đầu tư, tiến độ thực hiện trình tự thủ tục đầu tư ở một số khâu vẫn chậm so với yêu cầu "tăng tốc"…
Với phương châm "đồng hành cùng doanh nghiệp", Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, doanh nhân theo thường kỳ hằng năm. “Đây là cơ hội tốt để lãnh đạo tỉnh và các doanh nhân thẳng thắn chia sẻ và đối thoại” – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nêu rõ và đề nghị các đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng về những khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị, đề xuất với tỉnh với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, giải quyết ngay đối với những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của tỉnh và chỉ đạo tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền đối những kiến nghị, đề xuất khác.
Đồng chí Trần Đức Thắng mong muốn sau hội nghị này, các vướng mắc, kiến nghị của DN sẽ cơ bản được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; các cơ quan chức năng cùng chia sẻ, đồng thuận, đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai, minh bạch; tạo ra một khí thế mới, động lực mới và cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà thời gian tới.
Cho biết về thực trạng hoạt động của các DN và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đồng chí Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập và phát triển. Cộng đồng DN nói chung và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển lớn mạnh không ngừng về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17.866 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 207,8 nghìn tỷ đồng; so với cả nước, chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh luôn đứng ở tốp cao.
Với tinh thần đồng hành cùng DN, ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ DN do Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách riêng hỗ trợ DN trên một số lĩnh vực như: hỗ trợ các DN đăng ký thành lập mới. Tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện một số Đề án như: Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2025, Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các DN tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2020”, Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020”, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, ưu tiên vốn tín dụng cho các DN nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ đào tạo lao động. Một số chính sách hỗ trợ DN được triển khai nhanh, kịp thời như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của chính phủ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm, hạ lãi suất; cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ; cho vay chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng cho biết, mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2022 đã có bước phục hồi tích cực, đạt khá so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa tạo được đà phát triển ổn định, bền vững. Hoạt động của các DN còn gặp nhiều khó khăn về: thị trường tiêu thụ, về lao động, về nguồn vốn, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, còn thiếu các thông tin về thị trường, về chính sách, về quy hoạch... Quy mô của các DN còn nhỏ, trình độ công nghệ, trình độ quản trị DN, tính liên kết phát triển giữa các DN còn chưa cao. Chất lượng lao động tại các DN chưa được cải thiện nhiều, còn thiếu nguồn lao động có tay nghề cao; một số ngành đòi hỏi nguồn lao động lớn như may mặc, giày dép,... việc tuyển dụng còn khó khăn. Trong hoạt động đầu tư kinh doanh, vẫn còn có những DN chấp hành pháp luật chưa nghiêm, còn vi phạm quy định của pháp luật về: lao động, nghĩa vụ tài chính, tiền lương, BHXH, bảo vệ môi trường,…; một số nhà đầu tư chậm triển khai dự án, để đất hoang hoá, lãng phí gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Tại Hội nghị trước những ý kiến trao đổi của các doanh nhân, Hội nghị sẽ nghe đồng chí Lê Hồng Diên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ những nội dung kiến nghị về việc tỉnh sớm xây dựng Khu hành chính công để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giao dịch; kiến nghị về cải cách hành chính trong hoạt động doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương trả lời, làm rõ vấn đề tạo điều kiện thuận lợi các chính sách thông thoáng nguồn thủ tục vay; về đề nghị giảm tiền ký quỹ hiện nay ngân hàng quá cao và chênh lệch giá vật tư giữa định mức và thực tế, giảm giá tiền thuế đất; về giải pháp cụ thể để xử lý nguồn vốn huy động còn thừa; thực hiện cho vay hỗ trợ 2% đối với các doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi, làm rõ về việc đề nghị cấp trên có chính sách đối với ruộng đất, sau khi được chuyển đổi, sắp xếp, ruộng đất dôi dư nhỏ lẻ nằm cạnh các dự án của doanh nghiệp, ảnh hưởng tác động đến sản xuất, môi trường; vấn đề giải quyết nhanh gọn hơn nữa về cấp đất, cho thuê đất dự án, kịp thời để doanh nghiệp sớm đưa dự án vào sản xuất kinh doanh; tiền thuê đất; về thủ tục đất đai; về đảm bảo vệ sinh môi trường…./.