Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, Lễ hội Vinh danh Làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV sẽ diễn ra trong 4 ngày (26-29/10) với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.
Chương trình được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh hoa làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, của TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Chiếc giầy da đạt kỷ lục Guiness Việt Nam với chiều dài 2,72m, rộng 1,3m, cao 1,2m, nặng 70kg
Đồng thời, gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gia tăng giá trị sản xuất
ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Ngoài ra, huyện sẽ tổ chức Tế lễ Tổ nghề, rước kiệu tại các xã: Phú Túc, Chuyên Mỹ, Phú Yên, Phượng Dực, Vân Từ; giới thiệu tour tham quan làng nghề; tổ chức trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống (nặn tò he, mây tre đan, khảm trai…); đấu giá sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc như biểu tượng Khuê Văn Các, Chùa Một Cột và tủ chè mini của các nghệ nhân làng nghề; biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính khẳng định các hoạt động trên là nhịp cầu cho Phú Xuyên giới thiệu thành tựu, tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa; là điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Phú Xuyên được mệnh danh là “huyện nghề” với 154/154 làng có nghề, trong đó có 43 làng được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống.
“Việc các sản phẩm làng nghề của huyện Phú Xuyên được đưa đi tiêu thụ trong khắp cả nước và thế giới không chỉ góp phần quảng bá về văn hóa của huyện mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn,” ông Bính nói.
Đây cũng là cơ hội để chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; tinh hoa làng nghề, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Phú Xuyên trên các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội đến với nhân dân và du khách.