Láng giềng Việt Nam bất ngờ phát hiện gần 150 ngôi mộ cổ bên dưới sở thú, ước tính có niên đại trải dài suốt 2.100 năm lịch sử

Sau phát hiện này, tổng số ngôi mộ cổ được tìm thấy tại khu vực đã vượt qua con số 500.

Vào năm 1956, quá trình xây dựng sở thú ở Quảng Đông đã mở ra một cánh cửa quan trọng cho các nhà khảo cổ học, khi hàng loạt ngôi mộ cổ được phát hiện tại đây. Từ đó đến nay, tổng cộng hơn 500 ngôi mộ đã được tìm thấy và mới đây, Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ Quảng Châu vừa khai quật thêm 148 ngôi mộ mới, thuộc nhiều triều đại lịch sử như Hán, Đường, Tấn, Nam Tống, Minh, Thanh và cả thời kỳ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Láng giềng Việt Nam bất ngờ phát hiện gần 150 ngôi mộ cổ bên dưới sở thú, ước tính có niên đại trải dài suốt 2.100 năm lịch sử. Ảnh: Xinhua

Theo All That's Interesting, từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật trên diện tích gần 1.300m² tại Sở thú Quảng Đông và phát hiện ra số lượng ngôi mộ đáng kể như vậy.

Trong số những ngôi mộ được khai quật, có hai ngôi mộ đặc biệt thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Ngôi mộ đầu tiên thuộc thời Đông Tấn, được thiết kế với kích thước lớn và trang trí công phu. Với chiều dài hơn 9,7m và bảo tồn gần như nguyên vẹn sau hơn 1.700 năm, ngôi mộ này được coi là ngôi mộ lớn nhất và được bảo quản tốt nhất của thời Đông Tấn từng được tìm thấy tại Quảng Châu. Dù có một lỗ nhỏ trên cửa niêm phong do kẻ trộm để lại, nhưng ngôi mộ không chịu tổn hại nghiêm trọng.

Đã có tổng cộng hơn 500 ngôi mộ đã được tìm thấy. Ảnh: China Central Television

Ngôi mộ thứ hai thuộc thời Nam triều, tuy có kích thước nhỏ hơn nhưng được cho là của một cặp vợ chồng. Dù đã bị kẻ trộm phát hiện, tình trạng bảo quản của ngôi mộ này vẫn được đánh giá là khá tốt.

Cheng Hao, một quan chức thuộc Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ Quảng Châu, nhận định phát hiện này mang ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu kiến trúc và phong tục tang lễ của thời kỳ Lục triều (222-589), cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật xây dựng và phong tục mai táng trong thời kỳ Tấn và Nam triều tại Quảng Châu.

Từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật trên diện tích gần 1.300m² tại Sở thú Quảng Đông. Ảnh: Xinhua

Ngoài việc phát hiện các ngôi mộ, các nhà khảo cổ còn thu thập được gần 200 hiện vật quý giá, bao gồm ngọc bích tinh xảo và các bình gốm được chế tác công phu. Những hiện vật này mở ra góc nhìn hiếm hoi về phong tục tang lễ của người xưa, đồng thời làm sáng tỏ sự phát triển của các nghi thức chôn cất qua nhiều triều đại lịch sử của Trung Quốc, từ hơn 2.100 năm trước.

Bình gốm được phát hiện trong lúc khai quật. Ảnh: China Central Television

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục phân tích các ngôi mộ này để rút ra kết luận về sự thay đổi trong phong tục chôn cất qua các triều đại, giúp cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về các nghi lễ tang táng trong lịch sử.

Ước tính các ngôi mộ có niên đại trải dài hơn 2.100 năm. Ảnh: Xinhua

Bên cạnh mục đích nghiên cứu, Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ Quảng Châu cũng đã tổ chức các tour tham quan giáo dục cho du khách đến sở thú, mang lại cơ hội học hỏi và khám phá về lịch sử cũng như văn hóa cổ đại Trung Quốc.