Dịch Diệp Trang (làng Dịch Diệp) ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, là ngôi làng cổ có từ rất lâu đời. Cho đến nay, đây là nơi hiếm hoi vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà cổ và chiếc cổng làng bên cây cầu đá uốn cong bắc qua dòng sông thơ mộng.
Theo đó, làng Dịch Diệp được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ. Ngôi làng được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ truyền thống khi sở hữu những nét đẹp cổ kính như đền, chùa, giếng nước, con sông, cây đa, cây đề,… Đặc biệt, ngôi làng có hình dáng được ví như một con tàu mà mũi tàu chính là cổng Nam, còn đuôi thuyền là cổng Tây.
Cổng làng cổ xây cuốn mái vòm parapol sâu từ 1-2m, có cổng sâu đến vài ba mét, mái cổng mềm mại, uốn lượn. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện. Có một đặc điểm chung ở Dịch Diệp là mái cổng lợp ngói, liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên trụ thường đắp nổi đôi câu đối viết theo lối chữ Khải. Mặt cổng cũng được trang trí cầu kỳ, đắp nổi đại tự thể hiện phương châm xử thế hay cốt cách của chủ nhà.
Ngoài ra, đình làng cổ còn giữ bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện, Tục, Khả, Phong” do Vua Tự Đức ban tặng riêng cho làng với mong muốn làng tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau.
Hệ thống di tích cổ làng Dịch Diệp còn có ngôi đền thờ tam vị thành Hoàng là Chương Tấu đại vương, Lậu Khê đại vương và Phạm Vũ đại pháp thiền sư. Đây là 3 vị tướng có công lao to lớn trong cuộc chống ngoại xâm phạt Tống, bình Xiêm và giúp địa phương mở rộng ruộng đất, khuyên răn dạy chữ, dùng nhân nghĩa kết hợp nhân tâm tạo thành phong tục tốt ở nơi đây.
Ngoài hệ thống kiến trúc vật thể như bến nước sân đình, làng Dịch Diệp may mắn còn giữ được cây bồ đề cổ thụ khoảng 800 năm tuổi. Người làng gọi đó là “bồ đề đại lão” để phân biệt với “đại lão mộc tinh” ở làng bên cạnh. Bồ đề cổ thụ với những chiếc rễ to khoảng 40cm mọc ra từ thân cây tựa như những chiếc xúc tu của một con bạch tuộc khổng lồ. Các bậc cao niên trong làng đều cho rằng, cây bồ đề cổ thụ còn là biểu tượng của sự trường thọ, khỏe mạnh và tính cách kiên định, nhẫn nại và đầy lặng lẽ của người làng Dịch Diệp. Cây cổ thụ gần 1.000 năm tuổi đã được chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận cây Di sản Việt Nam vào ngày 17/4/2023.
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, ngôi làng cổ hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương với những tên đất, tên làng đã đi vào sử sách vẫn đang được các nghệ nhân, các bậc cao niên lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu.