Làng chài nhỏ bao quanh bởi đầm lầy 'lột xác' thành nơi sản sinh tỷ phú nhờ một khu kinh tế đặc biệt

Hiện tại, đây là thành phố giàu có thứ 27 trên thế giới và với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thành phố này sẽ lọt vào top 10 vào năm 2040.

Theo một báo cáo gần đây, Thâm Quyến của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng về số lượng người giàu cao nhất trong vòng một thập kỷ qua và sẵn sàng chứng kiến ​​làn sóng triệu phú tiếp theo trong những năm tới.

Theo báo cáo từ New World Wealth và Cố vấn Di cư Đầu tư Henley & Partners, Thâm Quyến ghi nhận mức tăng trưởng 140% về số lượng triệu phú, cao hơn nhiều so với các thành phố giàu có khác như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi số triệu phú tăng lần lượt là 90% và 84%.

Đường chân trời thành phố Thâm Quyến. Ảnh: CNBC

Andrew Amoils, nhà phân tích tại New World Wealth, trả lời phỏng vấn trên CNBC: “Nhìn chung, số lượng triệu phú ở Trung Quốc đã giảm 3% vào năm 2023, nhưng Thâm Quyến lại vượt trội đáng kể so với cả nước vào năm 2023”.

Amoils cho biết, phần lớn sự gia tăng số lượng người giàu ở Thâm Quyến là do những hoạt động kinh doanh mới và tăng trưởng thu nhập hữu cơ trong thành phố, trong khi khoảng 30% mức tăng trưởng đến từ các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông.

Ông Amoils nhận định, Thâm Quyến còn được gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng “rất mạnh mẽ” cho đến năm 2040, so với Bắc Kinh và Thượng Hải, những nơi có khả năng tăng trưởng vừa phải.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết vị trí gần Hồng Kông, nơi có đặc điểm kinh doanh thân thiện và hiệu quả, cũng giúp Thâm Quyến học cách phát triển nền kinh tế. 

35 năm trước, Thâm Quyến chỉ là một làng chài nhỏ bên bờ biển, lặng lẽ tồn tại bên Hong Kong sầm uất và giàu có. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, khi nơi đây được chọn để trở thành đặc khu kinh tế - khuyến khích đầu tư kinh doanh và đầu tư nước ngoài - đầu tiên của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình.

Thâm Quyến đã quét sạch những khu ổ chuột của công nhân lao động. Các nhà máy dây chuyền tự động do lao động nhập cư điều hành cũng lũ lượt rời đi. Thay vào đó là sự xuất hiện của các ngân hàng, công ty công nghệ, trụ sở nghiên cứu.

Thị trấn từng là nơi sinh sống của 60.000 cư dân những năm 80 nhanh chóng phát triển thành một đô thị 15 triệu người vào năm 2016. Ngôi làng nhỏ đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghệ lớn nhất. Nếu như Thung lũng Silicon là thủ đô phần mềm của thế giới, thì có thể nói, Thâm Quyến sẽ là công xưởng phần cứng toàn cầu: 90% thiết bị điện tử trên thế giới được sản xuất tại Thâm Quyến, bao gồm cả tivi và điện thoại di động.

Thâm Quyến xưa và nay. Ảnh: Sina

Hiện tại, với 50.300 triệu phú cư trú, Thâm Quyến hiện là thành phố giàu có thứ 27 trên thế giới và với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thành phố này sẽ lọt vào top 10 vào năm 2040.

Zhang cho biết: “Trong tương lai, khả năng thu hút thêm triệu phú của Thâm Quyến sẽ phụ thuộc vào việc liệu thành phố này có thể duy trì môi trường thuận lợi cho nguồn lực lớn nhất của mình: các doanh nhân hay không”.

New York đứng đầu danh sách là thành phố giàu nhất thế giới, tiếp theo là Vùng Vịnh California, theo tổng hợp gần đây của Henley & Partners. Tokyo và Singapore lần lượt xếp thứ ba và thứ tư.