Trung tâm Phân tích, tư vấn và đầu tư của Công ty chứng khoán SSI đã đưa ra những đánh giá về chính sách tiền tệ và lạm phát toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Siêu nới lỏng tiền tệ toàn cầu có thể rút ngắn hơn dự kiến
SSI đánh giá đại dịch Covid-19 là tác nhân khởi động một giai đoạn nới lỏng tiền tệ mạnh nhất trong lịch sử của các NHTW trên quy mô toàn cầu. Cùng với giảm sâu lãi suất điều hành, các Ngân hàng Trung ương cũng mở rộng bảng cân đối kế toán, bơm một lượng tiền lớn vào thị trường để vực dậy nền kinh tế.
Tốc độ tăng cung tiền M2 của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều tăng vọt từ tháng 3/2020. Hiện tại, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và hầu hết các Ngân hàng Trung ương khác đều giữ quan điểm duy trì nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, SSI nhận định triển vọng phục hồi kinh tế tích cực khi tiến trình tiêm vắc xin đang được đẩy mạnh cùng với áp lực về lạm phát đã đẩy lo ngại về bình thường hóa chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến của các Ngân hàng Trung ương.
Áp lực lạm phát đã là hiện thực tại các nước có nền kinh tế yếu và buộc các nước này phải nâng lãi suất điều hành trong quý 1/2021 như Nga, Braxin,Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Châu Phi… Cung tiền tại cuối quý 1/2021 của các nước lớn vẫn tăng so với cuối năm nhưng tốc độ tăng có phần chậm lại. Trong thời gian tới, các động thái của các Ngân hàng Trung ương lớn (FED, BOJ, ECB, PBOC) sẽ mang tính dẫn dắt với xu hướng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Lạm phát chưa phải yếu tố đáng ngại tại Việt Nam
Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia…) đều tăng tốc độ mở rộng cung tiền rất mạnh kể từ tháng 3/2020 đến nay nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng cung tiền M2 ổn định ở quanh mức 13%-14% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.
Để đối phó với dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay, tiền gửi ngắn hạn trong năm 2020 nhưng không bơm tiền thêm trên thị trường mở. Lượng tiền bơm ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu thông qua giao dịch mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối.
Sang năm 2021, giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước chuyển sang mua kỳ hạn và có thể hủy ngang. Tính từ đầu năm đến nay, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở và kênh ngoại tệ đều bằng 0. Có thể thấy việc chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn rất thận trọng và mang tính chất ổn định cao.
Về lạm phát, CPI tháng 3 giảm -0,27% so với tháng trước và có nghĩa là CPI bình quân chỉ tăng 0,29% so với cùng kỳ năm ngoái (mức thấp nhất trong 20 năm theo tính toán của Tổng cục Thống kê). Lạm phát cơ bản cũng giảm -0,12% so với tháng trước và lạm phát tổng thể chỉ tăng 0,67% theo năm.
SSI ước tính CPI cuối năm 2021 có thể tăng 4,07% so với cuối năm 2020 nhưng mức CPI trung bình cả năm 2021 sẽ chỉ tăng 2,89% so với năm trước, là mức chưa đáng lo ngại, theo đánh giá của SSI. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước là từ 6,5-7,5% (ngoại trừ VCB là 10,5%), các ngân hàng thương mại cổ phần từ 8-12%.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các ngân hàng thương mại trong phạm vi nghiên cứu của SSI là 9% - thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020. Thông thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm và mức giao hiện tại chúng tôi cho rằng là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là12% - thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm 2020 là 14%.