Lại tranh chấp con dấu doanh nghiệp, luật sư nói gì?

(CL&CS) - Mặc dù đã bị Hội đồng quản trị miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, song Tổng giám đốc vừa bị miễn nhiệm vẫn không chịu bàn giao công việc, có dấu hiệu chiếm đoạt tài liệu, hồ sơ, con dấu của doanh nghiệp. Luật sư phân tích tình huống pháp lý đó như thế nào?

Tổng giám đốc bị miễn nhiệm bị tố chiếm đoạt con dấu, tài liệu doanh nghiệp

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) vừa có đơn gửi Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) tố giác về hành vi “chiếm đoạt con dấu, tài liệu” của công ty này.

Trong Đơn tố giác, Công ty Tây Hồ cho biết, ngày 21/10, Công ty tổ chức cuộc họp HĐQT. Tại cuộc họp, HĐQT đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Hồ Đình Thịnh do vi phạm điều lệ, quy chế công ty. Quyết định miễn nhiệm có hiệu lực kể từ ngày 22/10. Đồng thời, vô hiệu con dấu trước đây của công ty này.

Dù đang bị điều tra, ông Hồ Đình Thịnh vẫn tự ý mang con dấu ra ngoài để gặp một cổ đông ngoài đã nhiều năm có mẫu thuẫn lợi ích với Công ty Tây Hồ.

HĐQT Công ty Tây Hồ cũng quyết định bổ nhiệm ông Phan Quốc Thắng giữ chức Tổng giám đốc Công ty Tây Hồ và sử dụng mẫu con dấu mới được công bố, từ ngày 22/10.

Trong Đơn tố giác, Công ty Tây Hồ cho biết, ngày 17/10 (trước thời điểm ông Hồ Đình Thịnh bị miễn nhiệm), ông Thịnh đã chỉ đạo cấp dưới có dấu hiệu tổ chức chiếm đoạt tài liệu dùng để thanh quyết toán công trình (bản gốc) của một trưởng phòng trong công ty.

Qua kiểm tra sơ bộ, tài liệu ông Thịnh có dấu hiệu chiếm đoạt là hồ sơ về hoạt động tài chính, kế toán, hồ sơ dự án, thanh quyết toán, hồ sơ hành chính, người lao động, hồ sơ lý lịch đảng viên của công ty qua nhiều năm.

Ngoài ra, con dấu của tổ chức Đảng, con dấu của công ty đã bị bà Trần Thị Thúy Tiệp (nhân viên công ty được giao quản lý đã bị sa thải trước đó) giữ, không trả lại công ty.

Đến thời điểm hiện tại, ông Thịnh vẫn chưa bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu cho công ty. Việc này gây ra tình trạng rối loạn, tê liệt các hoạt động của Công ty Tây Hồ.

Nhận thấy đây là hành vi chiếm đoạt con dấu, tài liệu của doanh nghiệp, tổ chức Đảng do ông Hồ Đình Thịnh và bà Trần Thị Thúy Tiệp thực hiện do đó, HĐQT công ty đã làm đơn tố giác tội phạm gửi tới Cơ quan điều tra – Công an quận Tây Hồ để làm rõ hành vi chiếm đoạt con dấu, tài liệu của doanh nghiệp.

Con dấu doanh nghiệp không còn để khẳng định giá trị pháp lý

Chia sẻ về tình huống pháp lý liên quan đến việc chiếm đoạt con dấu doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI cho rằng với những qu định mới tại Luật Doanh nghiệp 2014 và 2020, pháp luật không  còn ràng buộc nhiều về chuyện con dấu, trừ trường hợp vẫn phải đăng ký tại Công an.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn 2 tội liên quan đến con dấu tại Điều 341 và Điều 342. Đó là “Tội làm giả con dấu, sử dụng con dấu giả” và “Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu của cơ quan, tổ chức”.

Tuy nhiên, tội trên chì còn áp dụng đối với loại con dấu bắt buộc phải đăng ký mẫu dấu tại cơ quan công an, mà không còn áp dụng đối với con dấu của các doanh nghiệp nói chung (trừ một số ngoại lệ như luật sư, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại,…) với các lý do sau đây:

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 trở đi, không còn quy định doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu và không còn quy định nhấn mạnh “con dấu là tài sản của doanh nghiệp” như trước đây;

Thứ hai, khoản 2, Điều 43 về “Dấu của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp”. Tức là không còn bất cứ ràng buộc nào của pháp luật về toàn bộ 3 yếu tố là hình thức, nội dung, thủ tục trong việc làm, sử dụng và quản lý con dấu;

Thứ ba, quy định con dấu được sử dụng để “khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ” của tổ chức trước đây theo Điều 1 của Nghị định 62/CP ngày 22/9/1993 và Điều 1 Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về “Quản lý và sử dụng con dấu” đã hết hiệu lực đối với con dấu của doanh nghiệp từ ngày 01/7/2015. Điều này càng được thể hiện rõ hơn tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2017 của Chính phủ về “Quản lý và sử dụng con dấu”.

Như vậy, đối với doanh nghiệp, thì chữ ký của người có thẩm quyền mới là yếu tố quyết định, còn việc sử dụng con dấu chỉ để thuận tiện hơn trong việc nhận biết giấy tờ, giao dịch, mà không còn giá trị pháp lý, kể cả trong một số trường hợp vẫn bắt buộc phải sử dụng./.

TIN LIÊN QUAN