Lãi suất “neo” rất cao, ngân hàng vẫn có gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng

(NTD) - Mặc dù lãi suất huy động tiếp tục được “neo” ở mức rất cao, lên đến 9,4%/năm nhưng ngành ngân hàng vẫn có gói hỗ trợ tín dụng trị giá 285.000 tỷ đồng dành cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lãi suất lên đến 9,4%/năm

Sau Tết Nguyên đán, lãi suất huy động không có nhiều thay đổi lớn như năm ngoái. Theo đó, mức cao nhất thị trường vẫn là 9,4% thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Tuy nhiên, lãi suất tại SHB tùy thuộc vào từng chi nhánh, phòng giao dịch. Mức cao nhất được áp dụng tại chi nhánh Đội Cấn. Còn tại một số địa điểm khác như Tạ Quang Bửu, lãi suất thấp hơn một chút, đạt 9,3%/năm. Thậm chí, có nơi chỉ hơn 8%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), theo giới thiệu trên website, mức cao nhất chỉ là 7,4%/năm đối với các tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 24 và 36 tháng với số tiền dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trong các email quảng cáo được gửi tới khách hàng, mức lãi suất cao nhất tại MSB lên đến 9,3%/năm, chỉ sau SHB.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) dù đánh mất vị trí đơn vị có lãi suất huy động cao nhất hệ thống từ nhiều tháng trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Lãi suất tại Viet Capital Bank lên đến 8,5%/năm. Trước đây, lãi suất tại Viet Capital Bank phổ biến ở mức 8,7%/năm, có lúc vọt lên 8,9%/năm.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cùng đứng ở vị trí thứ tư với mức lãi suất rất cao, lên đến 8,4%/năm. Tuy nhiên, cũng có một vài chi nhánh, phòng giao dịch, lãi có thể chỉ hơn 8%/năm.

Trên website chính thức, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vẫn duy trì biểu lãi suất của 1 năm trước với mức cao nhất chỉ là 7,9%/năm. Tuy nhiên, tại nhiều phòng giao dịch và chi nhánh của ngân hàng, mức lãi được giới thiệu lên đến 8,3%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đứng sau ABBank với lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngân hàng có mức lãi trên 8%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank)…

Vietcombank và 3 đơn vị còn lại trong nhóm "Big 4" sẽ tham gia gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng

Trong khi nhiều ngân hàng vẫn “neo” lãi suất huy động ở mức rất cao thì nhu cầu giảm lãi suất cho vay, giãn nợ… của các doanh nghiệp đang được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng khi dịch Covid-19 đang hoành hành, gây tác động xấu tới hoạt động của doanh nghiệp.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra trong ngày 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số giải pháp cần khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn; áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...).

Sau đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết các tổ chức tín dụng đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng. Hơn 10 ngân hàng tham gia chương trình này, bao gồm 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

Không ít người lo lắng việc huy động với lãi suất cao có thể gây khó khăn cho việc triển khai các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, khó khăn không phải quá lớn khi có tới 4/10 đơn vị tham gia là ngân hàng Nhà nước, những đơn vị có lãi suất huy động tương đối thấp suốt thời gian dài.

Theo biểu niêm yết mới nhất tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), mức lãi suất cao nhất cùng là 6,8%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân không chạy đua lãi suất nên lãi suất huy động niêm yết ở mức không cao quá. Đây là cơ sở để các đơn vị đó đóng góp nhiều cho gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng.

Có thể ví dụ một vài ngân hàng có mức lãi suất không quá cao như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank - 6,95%/năm), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - 7,2%/năm), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank 7,5%/năm), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - 7,5%/năm)…

 
Không ít người lo lắng việc huy động với lãi suất cao có thể gây khó khăn cho việc triển khai các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, khó khăn không phải quá lớn khi có tới 4/10 đơn vị tham gia là ngân hàng Nhà nước, nhưng đơn vị có lãi suất huy động tương đối thấp suốt thời gian dài.

Hà Phương

 

Nên đọc