Lãi suất giảm
Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất điều hành, yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động để từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá do tác động từ quyết định cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% hồi cuối tháng 9, trong tháng 10, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) tiếp tục chứng kiến đà giảm (nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh có mức giảm 0,22% trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,2%).
Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở sâu dưới mức trần 4%. Trong khi đó, ở kỳ hạn dài (12 tháng) cũng chứng kiến đà giảm mạnh của lãi suất tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh (giảm 0,47%) trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vốn nhỏ chỉ giảm 0,05%.
Cụ thể, theo biểu lãi suất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất kỳ hạn ngắn chỉ dao động từ 3,1% đến 3,4%. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4%/năm. Lãi suất cao nhất tại Vietcombank chỉ là 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã có thời kỳ là đơn vị có lãi suất huy động cao nhất hệ thống với ưu đãi lên đến 9,4%/năm. Tuy nhiên, hiện tại, mức cao nhất tại SHB đã giảm xuống 8,95%/năm. Thay thế SHB là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Mức cao nhất tại Maritime Bank vẫn duy trì ở con số lên đến 10,2%/năm.
Không chỉ lãi suất huy động giảm, lãi suất liên ngân hàng cũng đang ở mức thấp. Theo BVSC, trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không có hoạt động bơm/hút ròng vốn đáng kể nào thông qua thị trường mở (OMO). Tuy vậy, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục (0,15-0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).
Thanh khoản tăng vọt
Lãi suất huy động giảm bớt khiến kênh đầu tư gửi tiết kiệm của người dân kém hấp dẫn hơn. Nhà đầu tư có xu hướng tìm đến kênh mang lại lợi nhuận cao hơn. Chứng khoán trở thành điểm đến lý tưởng. Trong nhiều tháng qua, chứng khoán ghi nhận nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) ồ ạt mở tài khoản.
Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.451 tài khoản, tăng hơn 5.000 tài khoản so với tháng trước đó. Lũy kế 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 290 nghìn tài khoản, nhiều hơn 100 nghìn tài khoản so với cả năm 2019. Trong đó, số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3 tới nay).
Nhà đầu tư F0 góp phần không nhỏ giúp thanh khoản tăng vọt, từ đó đẩy VN-Index bay cao.
Cụ thể, trước đây, thanh khoản mỗi phiên của cả 2 sàn Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Nhưng tới nay, con số này đã vượt qua mốc 10.000 tỷ đồng.
Ví dụ, tính đến ngày 25/11, thị trường đã trải qua 18 phiên của tháng 11. Trong đó, có tới 9 phiên giá trị giao dịch (bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận) vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Thanh khoản đạt “đỉnh” 14.035 tỷ đồng trong phiên 24/11, tăng 8.050 tỷ đồng, tương đương 135% so với phiên đầu tiên của tháng 11.
Trong đó, HPG dẫn đầu về mức độ quan tâm của nhà đầu tư. Thanh khoản cổ phiếu này thường xuyên dẫn đầu thị trường. Đứng sau HPG về khối lượng giao dịch là TCB, FLC, STB, HSG, ITA,…