Sau khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Hệ thống ngân hàng đã nhiều lần triển khai các đợt giảm lãi suất cho vay. Trong tháng 6 này, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục triển khai chính sách này.
Mong muốn hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp và các giải pháp quản lý tài chính hiệu quả để khắc phục khó khăn do Covid-19, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai nhiều biện pháp ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp như: nâng tổng hạn mức cho vay ưu đãi lên đến 3.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,4% khi khách hàng mua ngoại tệ thanh toán hoặc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với lãi suất chỉ từ 5,9%/ năm…
Tổng Giám đốc ABBANK, ông Lê Hải chia sẻ: “Các gói ưu đãi được ABBANK phát triển dựa trên nhu cầu và tình hình thực tế của các nhóm KHDN, mong muốn kịp thời cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn và tăng tốc hoạt động sản xuất ngay sau dịch. Ngoài ra, các dịch vụ tài chính tiện ích mà ABBANK đem đến không chỉ mang lại hiệu quả đáng kể trong các hoạt động quản lý dòng tiền mà còn hứa hẹn mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách hàng về xu hướng Ngân hàng số hiện nay”.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có chương trình giảm lãi suất cho vay và phí đối với khách hàng tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch thứ tư của Covid-19) từ 1/6-31/8/2021.
Theo đó, Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Vietcombank còn giảm phí tới 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản với khách hàng cá nhân.
Kể từ ngày 27/5/2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có thêm chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng này áp dụng gói vay vốn trung dài hạn mới 2021 quy mô 50.000 tỷ đồng. Các mức lãi suất cho vay trung dài hạn của BIDV giảm đến 0,6%/năm so với đầu năm và giảm đến 1%/năm so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều đơn vị khác như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)… cũng tung thêm các gói giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã công bố thông tin điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2021. Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.
Trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế . Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Trong đó, tập trung một số nội dung trọng điểm: Đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; Tiếp tục phối hợp với Bộ ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng Covid-19; Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”...