Kỳ lạ con sông hẹp nhất thế giới: Dài tới 17km nhưng có khúc rộng chưa đầy hai đốt ngón tay đã tồn tại suốt 10.000 năm

Mặc dù còn nhiều ý kiến tranh cãi liệu đây có thực sự là một con sông tuy nhiên lời giải đáp chi tiết đã có.

Có thể nhiều người đã biết, tính tới thời điểm hiện tại, Amazon là dòng sông rộng nhất thế giới. Vào mùa khô, nơi rộng nhất của Amazon là 11km. Còn vào mùa mưa lũ, sông rộng tới 40km. Theo Extreme Science, xét về diện tích bề mặt, Amazon bao phủ khoảng 110.000km2 trong mùa khô và lên tới 350.000km2 vào mùa mưa.

Hualai được coi là con sông hẹp nhất thế giới

Trái ngược với Amazon, Hualai - một con sông thành phố Xích Phong, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc khiến nhiều người choáng ngợp khi nó hẹp đến mức không tưởng, người bình thường có thể dễ dàng qua hai bên bờ chỉ bằng một bước chân.

Trên thực tế, sông Hualai ở Trung Quốc có lượng phù sa màu mỡ 2 bên bờ. Dòng sông này nằm ở cao nguyên Nội Mông với chiều dài hơn 17km nhưng chiều rộng trung bình chỉ vẻn vẹn 15cm và sâu khoảng 50cm. Ở đoạn hẹp nhất, nó chỉ rộng chưa đầy 4cm. 

Sông Hualai chảy qua đồng cỏ Gongger ít nhất 10.000 năm nay

Thật khó tin rằng một con sông giống Hualai thực sự tồn tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Quốc, sông Hualai chảy qua đồng cỏ Gongger ít nhất 10.000 năm nay. 

Nó bắt nguồn từ một con suối ngầm và chảy vào hồ Dalai Nur trong khu bảo tồn thiên nhiên Hexigten. Mặc dù một số người sẽ nói rằng Hualai quá hẹp để có thể được coi là một con sông, nhưng thực tế là kích thước không phải là yếu tố phân biệt giữa sông, suối và lạch. Hualai là một dòng chảy vô tận, đều đặn quanh năm, cũng như hội tụ đầu đủ các yếu tố của một con sông như lưu vực, khu vực đồng cỏ bên cạnh chịu ngập lụt theo mùa,...

Sông Hualai bắt nguồn từ một con suối ngầm và chảy vào hồ Dalai Nur trong khu bảo tồn thiên nhiên Hexigten

Hualai còn được gọi là sông Cầu Sách dựa theo câu chuyện dân gian kể về một cậu học trò nhỏ. Cậu bé bị vấp ngã khi lội qua sông, đánh rơi quyển sách ngay tại một trong những đoạn hẹp nhất. Cuốn sách đã trở thành cây cầu giúp đàn kiến băng qua sông. Và cái tên sông Cầu Sách ra đời vì lẽ đó.