Kiên trì với phát triển bền vững doanh nghiệp tạo được “kháng thể” trước đại dịch

(CL&CS) - Trong bối cảnh thực hiện giãn cách trên diện rộng và kéo dài thì phải nghĩ khác đi làm khác đi..Nhiều doanh nghiệp không chỉ áp dụng bộ chỉ CSI trong doanh nghiệp, mà còn để đánh giá và xây dựng hệ thống nhà cung ứng.

Trong đại dịch phải nghĩ khác, làm khác

Tổng thư ký của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), ông Phạm Quang Vinh cho biết qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp đang dần kiệt sức, cạn tiền và khủng hoảng nhân sự.

 “Nhiều doanh nghiệp đang mất cân bằng giữa 3 trụ cột: vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường”, ông Vinh nói.

Nhưng dù vậy vẫn có những doanh nghiệp đến nay sản xuất vẫn ổn định, đã thích nghi với trạng thái mới. Có những doanh nghiệp đang là doanh nghiệp xanh, khu vực nhà máy là khu vực xanh dù đang nằm trong vùng có dịch bệnh. Nhưng những doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững, có sức chống chịu tốt hơn mặt bằng chung.

Đó là những doanh nghiệp như CTCP Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam hay Nestle’ Việt Nam. “Các nhà máy của CPV vẫn đang hoạt động và được xác nhận là doanh nghiệp xanh, khu vực nhà máy của CPV là khu vực xanh”, ông  Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc, CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam (CPV) cho biết.

Dịch bệnh lan rộng, ở những tỉnh thực hiện giãn cách thì doanh nghiệp càng khó khăn gấp bội, vừa lo chống dịch vừa cố duy trì sản xuất trong điều kiện giãn cách. Nhiều doanh nghiệp lúng túng với mô hình sản xuất sao cho phòng được dịch mà sản xuất không đình trệ. Nhưng một doanh nghiệp khác vẫn hoạt động ổn định và thích nghi với trạng thái mới. Đó là Nestlé Việt Nam.

“Chúng tôi đã đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch đảm bảo kinh doanh không gián đoạn. Xây dựng các kịch bản sản xuất theo các giả định tình huống dịch bệnh, để khi có tình huống phát sinh vẫn có nhân lực thay thế, sản xuất vẫn duy trì”, vị Phó Tổng của CPV cho biết.

Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định và thích nghi với trạng thái mới

“Chúng tôi đã kích hoạt các kế hoạch duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục và thích ứng nhanh với những thay đổi về chính sách”, ông Binu Jacob Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết.

“Không bao giờ thỏa hiệp với vấn đề an toàn”, quy trình giao hàng không tiếp xúc được áp dụng. Và doanh nghiệp này vẫn bảo đảm giao hàng 100%, ứng phó được với tình trạng thiếu lái xe mà nhiều doanh nghiệp gặp phải.

“Bền để Vững”

Để thực hiện 3 tại chỗ, các doanh nghiệp này không chỉ lo bữa ăn đảm bảo, chỗ ở an toàn, doanh nghiệp này còn tổ chức các hoạt động thể thao để khích lệ tinh thần, giữ vững thể chất cho người lao động.

Trong khó khăn vì đại dịch bủa vây, nhưng doanh nghiệp không lơi tay với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng theo mục tiêu phát triển bền vững. 

Để giảm khó khăn cho khách hàng, CPV triển khai chương trình bình ổn giá. Để chung tay chống dịch, CPV ủng hộ 50 tỷ đồng vào Quỹ văc-xin, khẩn trương xây dựng nhà máy khẩu trang, việc ủng hộ xe cứu thương, thiết bị y tế và vận động nhân viên công ty làm tình nguyện viên dự án với Bệnh viện tại nhà. Dự án Thực phẩm từ trái tim được thực hiện với kinh phí 4,5 tỷ đồng để chuyển 150.000 xuất cơm tới các lực lượng tuyến đầu chống dịch, tới các bệnh viện và khu cách ly …

Còn Nestle’ Việt Nam đã  ủng hộ các vật tư thiết bị chống dịch, đóng góp vào quỹ vắc -xin  55 tỷ đồng, hỗ trợ để khuyến khích 22.000 hộ kinh doanh hoạt động trở lại sau dịch… đó là những hành động thực tế góp phần chống dịch và duy trì sản xuất của Nestle’ Việt Nam.

Theo sát các doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Phạm Quang Vinh rút ra nhận định: Những doanh nghiệp kiên trì với chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì được hoạt động, có tăng trưởng,  hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng thực hiện mục tiêu kép. Đó là cách phát triển “Bền để Vững”.

“Các doanh nghiệp kiên trì và bền bỉ với chiến lược phát triển bền vững đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn, có sức bền dẻo dai hơn hẳn so với mặt bằng chung nên khả năng phục hồi cũng cao hơn. Phát triển bền vững là con đường duy nhất để trụ vững và vươn lên mạnh mẽ đối với doanh nghiệp.”, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Từ ý nghĩa đó,  Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam với bộ chỉ số CSI đã trở thành sự kiện thường niên. CSI biểu dương các DN có tư duy kinh doanh nhân văn, cân bằng lợi ích kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, Nói về ý nghĩa của bộ chỉ số CSI với doanh nghiệp, ông Vinh cho hay: CSI được xây dựng với mục đích trở thành một công cụ quản trị doanh nghiệp khoa học và hiệu quả. Dựa vào các cấp độ chỉ số, doanh nghiệp cũng có thể hình dung ra lộ trình thực hiện phát triển bền vững, từ đó tự xây dựng được chiến lược/kế hoạch phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai. 

Kinh tế tuần hoàn – tương lai của phát triển

Đã có nhiều doanh nghiệp không chỉ áp dụng CSI trong nội bộ doanh nghiệp, mà còn sử dụng CSI để đánh giá và xây dựng hệ thống nhà cung ứng của mình, từ đó giúp nâng cao năng lực tốt hơn cho nhà cung ứng – vốn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Và một đừng hướng đi đến phát triển bền vững, đó là thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong những năm qua, với nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan liên quan và nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã đã trở nên gần gũi hơn rất nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp

Là một người cổ vũ và vận động cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ông Vinh nói thêm: kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững. Thực hiện kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp sử dụng các nguồn nguyên vật liệu hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Kinh tế tuần hoàn cũng nhắc nhở người dân sử dụng các nguồn lực hữu hạn như nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với cách thức truyền thống hiện tại.

Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, tiêu chuẩn hóa kinh tế cần đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó cần tiêu chuẩn hóa.

Năm 2018, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã thành lập  Ủy ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế về Kinh tế tuần hoàn (ISO/TC 323, Circular Economy). Mục tiêu chung là tăng cường và tối đa hóa các hoạt động vì sự phát triển bền vững.

Theo thông tin từ các chuyên gia, hiện nay, các tổ chức tiêu chuẩn hóa trên thế giới như: ISO, IEC, EN, DIN, BSI, ANSI…đang chú trọng xây dựng kế hoạch hành động và xây dựng tiêu chuẩn để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế tuần hoàn. Các tiêu chuẩn kỹ thuật là công cụ hữu hiệu, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, giúp doanh nghiệp tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất, đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và còn tăng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN