Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Langbiang nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng với diện tích 275.439ha bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
Ngày 9/6/2015, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO, Langbiang được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới, trở thành Khu Khu DTSQ đầu tiên ở Tây Nguyên, Việt Nam.
Với đặc trưng là sự phong phú về thảm thực vật, trong độ cao từ 650m-2.300m, Langbiang có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, bao gồm các hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái thủy sinh. Các sinh cảnh rừng tại đây vẫn còn có cấu trúc 3 tầng rừng, chứa đựng đầy đủ các sinh cảnh rừng tự nhiên, là nơi cư trú, kiếm ăn của động vật hoang dã.
Ngoài ra, sự đa dạng về sinh cảnh tự nhiên với các loại rừng hỗn giao gỗ lồ ô, rừng cây bụi, trảng cỏ đã góp phần tạo nên sự phong phú các loài bò sát, ếch nhái, côn trùng và các loài thực vật. Các sinh cảnh đất ngập nước như hồ, sông, suối xen kẽ với rừng vừa tạo cảnh quan đẹp, tạo sự chuyển tiếp các hệ sinh thái, đồng thời là nơi phân bố của các loài cá và các sinh vật thủy sinh khác.
Nhờ hệ sinh thái phong phú, khu DTSQ Langbiang là nơi cư trú của 1.940 loài thực vật. Những loài đặc biệt quý hiếm có thể kể đến là thông hai lá dẹt (duy nhất trên thế giới chỉ có ở Bidoup-Núi Bà), pơmu, thông đỏ, thông 5 lá Ðà Lạt.
Riêng họ lan có 297 loài, biến Langbiang trở thành thủ phủ hoa lan của Việt Nam. Về động vật, tổng cộng có 89 loài thú, 247 loài chim, 46 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 30 loài cá và 335 loài côn trùng được ghi nhận tại Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.
Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật tại đây rất quan trọng và mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2010). Trong số đó có 5 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu như hổ Đông Dương, voọc đen, vượn đen má vàng, bò rừng bizon Ấn Độ và khỉ lá vàng Đông Dương. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình Bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Khu DTSQ Langbiang cũng là nơi nuôi dưỡng Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên như Bana, Xêđăng, Mnông, K’ho, Rơmăm, Êđê, Giarai...
Để quản lý và bảo vệ tốt hệ sinh thái đa dạng của khu DTSQ thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; tăng cường các hoạt động truyền thông, triển khai nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo tồn.