Không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành

Sáng 8/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả

Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày cho biết, việc ban hành dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) là hoàn toàn cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Ảnh: Hồ Long

Theo đó, việc ban hành Luật nhằm thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó giao nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra; Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tỉnh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra đề thể chế hóa các nội dung chủ yếu sau: sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp, giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra…

Cùng với đó, Luật Thanh tra năm 2022 được triển khai thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, nhưng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Dự thảo Luật gồm 9 Chương, 64 Điều, được kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2022, gồm có: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra.... Bởi các quy định này không bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra và còn phù hợp với thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... Nguyên nhân do triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; kết thúc hoạt động của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các Bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Lược bỏ nội dung ở Luật để phân quyền cho Chính phủ quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, như: Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; hồ sơ thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo...

Các ĐBQH Đoàn Bình Thuận tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, sửa đổi, hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, hoàn thiện khái niệm “thanh tra”….

Bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành; cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật.

Về việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, dự thảo Luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như Luật hiện hành.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với quy định này vì phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, nhất là việc thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra sau sắp xếp.

Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về sự phù hợp, tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục đối với hoạt động thanh tra mà về bản chất bao gồm 2 loại là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, hiện đang được Luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Các ĐBQH Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Do đó, đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ quan tâm, lưu ý vấn đề này trong tổ chức triển khai thực hiện Luật để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Ủy ban nhận thấy, sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương, thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ngoài ra cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát.