Khó khăn trong xử lý kinh doanh thuốc qua mạng xã hội

(CL&CS) - Thông tin tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM chiều tối ngày 27/6, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội gặp nhiều khó khăn.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM trả lời báo chí tại cuộc họp chiều tối 27/6/2024. Ảnh: Thành Nhân

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, hiện nay quảng cáo thuốc qua mạng xã hội được sử dụng như một công cụ bán hàng. Tuy nhiên, việc kinh doanh thuốc tân dược theo phương thức thương mại điện tử vẫn chưa được pháp luật công nhận. Việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream cũng là hành vi vi phạm pháp luật do không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong công tác quản lý.

Trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó có 1 vụ việc chuyển Công an TPHCM xử lý.

Chia sẻ về những khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, đơn vị đang gặp khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo.

Đồng thời, địa chỉ kinh doanh của các đối tượng là địa điểm ảo. Hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Ngành y tế TPHCM chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo. Khi được mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi đến làm việc hoặc không hợp tác, không đến làm việc theo giấy mời.

Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật. Điều này gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm cho cơ quan quản lý không xác định được chủ thể quảng cáo, không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, bà Như cho biết, Sở Y tế TPHCM thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử. Ngành y tế TPHCM cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông về quản lý kinh doanh thuốc, cũng như hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng.

Sở Y tế TPHCM cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, nhất là những tổ chức, cá nhân không được cấp phép.

Chiều 26/6, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo), một số đại biểu Quốc hội tiếp tục lo ngại về quy định áp dụng thương mại điện tử trong bán thuốc.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM), bán thuốc online có rất nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng. Trong khi các nội dung của Dự thảo về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi.

“Trong mọi trường hợp, tôi đề nghị tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn nền pháp lý đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn. Như hiện nay thì chưa phải giai đoạn chín muồi và công tác chuẩn bị chưa đầy đủ để thực hiện việc này”, bà Lan bày tỏ quan điểm.

TIN LIÊN QUAN