Khánh Hòa: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững

(CL&CS) - Những năm qua, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã được người dân tỉnh Khánh Hòa chú trọng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, đây là chìa khóa xóa nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thông tin với báo chí, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn, cho biết, để tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang tập trung triển khai đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng.

Cây sầu riêng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa thoát nghèo bền vững (ảnh Hải Lăng)

Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp nhiều giá trị; chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào vừa chú trọng hỗ trợ và kết nối đầu ra…

Thời gian qua, địa phương đã chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tập trung chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản có sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó có hơn 430ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã chuyển đổi hơn 1.150ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình OCOP với 34 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao.

Bên cạnh đó, huyện còn triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiến tới kết nối cung cầu, hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản. 

TIN LIÊN QUAN