Giữa thời hiện đại, nhiều người chuộng xây nhà bằng bê tông, cốt thép. Thế nhưng có một ngôi nhà ở miền Tây sông nước lại được làm bằng một loại chất liệu “độc nhất vô nhị” khiến du khách không khỏi tò mò tìm về khám phá. Đó chính là ngôi nhà được làm từ hàng nghìn cây dừa trăm tuổi ở xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Chủ nhân của kiệt tác kiến trúc này là vợ chồng ông Dương Văn Thưởng (hơn 80 tuổi).
Được biết, để hoàn thiện tác phẩm kiến trúc này, gia chủ đã giành tổng cộng 10 năm, sử dụng khoảng 4.000 cây dừa có tuổi đời từ 80 - 100 năm, với sự đóng góp của hơn 30 nghệ nhân. Chủ nhân ngôi nhà từng chia sẻ với truyền thông rằng, tổng chi phí để hoàn thiện ý tưởng này khoảng 6 tỷ đồng.
Để trở thành điểm du lịch không nhàm chán, giữ chân và thu hút du khách ngày càng nhiều, nhà dừa tạo nhiều tiểu cảnh mới, bắt mắt và đặc trưng sông nước Miền Tây để góp phần vào sự phát triển chung của du lịch tỉnh nhà.
Cụ thể, năm 2009, sau cuộc họp gia đình, chủ nhân ngôi nhà đã quyết định bắt tay vào dự án đầy thách thức. Họ quy hoạch một khu đất rộng 4.000m2 với việc trồng cây dừa theo kế hoạch để tạo nên không gian xanh mát.
Điểm đặc biệt của ngôi nhà là việc xây dựng theo phong cách truyền thống Nam bộ với 3 gian 2 chái được chống đỡ bởi 36 cây cột dừa lão, được chọn lựa từ hàng nghìn cây dừa. Từ cột, kèo, vách đến nội thất, tất cả được chế tác từ dừa. Ngoại trừ 4 tượng phật phúc - lộc - thọ và phật Di Lặc được làm từ rễ dừa. Còn tủ thờ, bộ trường kỷ, hoành phi, liễn đối... cùng với bàn ghế, đèn trang trí, màn cửa, tranh ảnh, bộ tách trà đều được tạo nên từ dừa.
Điều đặc biệt nhất chính là tủ thờ và bàn tròn được trang trí bằng gáo dừa thay vì ốc xà cừ thông thường.
Quần thể nhà dừa mang lại không gian sống độc đáo, gần gũi với thiên nhiên. Ông Thưởng xem đó như niềm hạnh phúc và ước mơ lớn nhất của ông và vợ. Hiện nay, gia đình ông Thưởng mở cửa đón khách du lịch đến tham quan ngôi nhà dừa độc đáo của họ.
Mỗi ngày, điểm tham quan đón từ 70 – 100 lượt khách. Đặc biệt, những ngày lễ, Tết lượng khách tăng gấp 3 – 5 lần so với bình thường.
Được biết, để chuẩn bị đón khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nơi đây đã tạo thêm lò nung gạch, gốm mini, đặc trưng làng nghề tỉnh Vĩnh Long, sàn nhà và bồn rửa tay làm từ gáo dừa. Đồng thời, điểm đến này cũng vừa ra mắt một vườn nho hữu cơ hơn 500m2 để du khách tham quan trải nghiệm.