Khám phá khu mộ cổ rộng hơn 1.000m2 tồn tại qua gần 2 thế kỷ ở một tỉnh miền Tây Việt Nam, được ví hoành tráng như một ‘cung điện’ cổ kính

Dù trải qua gần 2 thế kỷ nhưng ngôi mộ cổ này vẫn còn giữ nét đẹp cổ kính và khang trang, thu hút nhiều người tìm đến khám phá.

Nằm ngay huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, có một quần thể mộ cổ của gia đình ông Trần Thanh Hùng tồn tại gần 200 năm nay mà chưa một lần tu sửa.

Thông tin trên Báo Dân trí cho biết, ông Hùng là cháu đời thứ 5 của ông Trần Ban Tới (tên thật là Trần Để), một thương gia người Hoa đến vùng đất này sinh sống và cũng là người có ý tưởng thiết kế, thực hiện khu mộ cổ này. Theo ông Hùng, lịch sử hình thành của khu mộ cổ này theo người đời trước truyền lại là có từ thế kỷ 19, vào khoảng năm 1842. 

Khu mộ cổ rộng hơn 1.000m2 đẹp như cung điện ở huyện Phong Điền (Cần Thơ)

Tổng thể khu mộ được thiết kế và xây dựng hết sức công phu, với kiểu kiến trúc kết hợp giữa Đông và Tây. Khu mộ cổ có diện tích khoảng 1.000m2, phía ngoài là cánh cửa sắt cao hơn 2m, các phần mộ bên trong được sắp xếp theo thứ tự lớn, nhỏ.

Cụ thể, bên trong khu mộ cổ có 5 ngôi mộ với tuổi đời gần 2 thế kỷ. Mỗi ngôi mộ được thiết kế thành "dinh cơ" riêng, có mái che kiên cố với nhiều họa tiết sắc sảo. Mộ của ông Trần Ban Tới nằm ở giữa và lớn nhất. Mộ của hai người vợ nằm ở hai bên. Tất cả các bia mộ đặt phía trên đầu mộ đều làm bằng đá cẩm thạch.

Phần mộ của ông Trần Ban Tới ở giữa

Chi tiết ấn tượng và thu hút nhất của khu mộ là tấm bia ở phần mộ ông Trần Ban Tới, đến thời điểm này, dù nhiều nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ đến để khảo sát, phân tích nhưng vẫn chưa thể hiểu hết ý nghĩa của dòng chữ trên tấm bia.

Đến giờ này chưa ai có thể giải mã hết những ký tự đó là gì, kể cả một số người biết tiếng Hán

Ngoài khu mộ chính, bên cạnh còn 2 ngôi mộ cổ nữa mang đậm phong cách kiến trúc Pháp. Đó là mộ vợ chồng người con thứ 7 của ông Trần Ban Tới.

Công trình khu mộ cổ họ Trần ở Cần Thơ mang kiểu kiến trúc Pháp
Mỗi phần mộ cổ của họ Trần như 1 ngôi nhà kiên cố

Cho đến nay nhiều chỗ trên ngôi mộ đã bị hư hao nhiều nhưng ông Hùng  không muốn sửa vì ông sợ sẽ làm mất giá trị mà ông bà để lại. “Tôi sẽ giữ gìn và bảo tồn để con cháu sau này lớn lên, nhìn về ngôi mộ mà biết đến nguồn gốc của mình. Tôi cũng hy vọng tìm được người giải mã những dòng chữ trên tấm bia, để chúng tôi hiểu hơn về giá trị lịch sử cha ông để lại”, ông Hùng bộc bạch với truyền thông.

Ông Trần Để (bên phải) và vợ

Hiện khu ngôi mộ cổ họ Trần vẫn đang được gia đình ông Hùng giữ gìn, chăm sóc. Ông Hùng xem đây như một di sản văn hóa gia tộc của đời trước truyền lại cho đời sau.