Năm Du lịch Quốc gia 2021 do tỉnh Ninh Bình đăng cai với chủ đề "Hoa Lư- Cố đô ngàn năm". Trong Năm du lịch Quốc gia 2021, tỉnh Ninh Bình - địa phương đăng cai tổ chức sẽ chủ trì 38 hoạt động; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 4 hoạt động. Ngoài ra, còn có 104 sự kiện sẽ do 27 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức chào mừng Năm Du lịch Quốc gia 2021.Các hoạt động trọng tâm trong Năm Du lịch Quốc gia 2021 đó là Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2021 và Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Chùa Bái Đính, Lễ hội Tràng An, Lễ Đàn Kính Thiên, Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”…
Tại lễ khai mạc, an ninh trật tự được đảm bảo, công tác phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành địa phương trong thời gian qua đã đưa ngành du lịch Việt Nam dần phục hồi trở lại. Việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021 nhằm quảng bá cho du lịch Việt Nam phát triển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn chưa được kiểm soát.
Theo ông, năm du lịch quốc gia 2021 là động lực phát triển ngành du lịch trong nước. Trong bối cảnh đất nước chưa mở cửa đón khách quốc tế, đây là dịp tốt để người dân Việt khám phá thêm thiên nhiên, văn hóa của Tổ quốc mình và trải nghiệm dịch vụ cao cấp mà trong điều kiện bình thường vốn chỉ dành cho những người có thu nhập cao.Phó Thủ tướng kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiếp tục sáng tạo. Chính quyền các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón khách quốc tế, tiếp tục xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa, văn minh.Trong bối cảnh cả thế giới đang đứng trước thời cơ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV đem lại, mà trực tiếp nhất là yêu cầu chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chúng ta cần triển khai những giải pháp quyết liệt để thực hiện việc chuyển đổi số du lịch ở tất cả các khâu một cách đồng bộ, hướng tới một nền du lịch thông minh để hỗ trợ du khách một cách thuận tiện nhất.
Cần chú trọng, và chú trọng hơn nữa để xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn hoá. Cần kết hợp chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các chương trình, đề án. Một mặt nhằm gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống, đặc sắc của dân tộc, từng địa phương, mặt khác xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại với xu thế của thế giới. Tất cả đều cần sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các cấp các ngành, các địa phương và các hiệp hội, các doanh nghiệp...
Năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 720.000 tỷ đồng, góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp.
Với đà tăng trưởng của 5 năm trước, bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt gần 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019. Từ tháng 2, Covid-19 giáng đòn nặng nề khiến cả năm khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD.
Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
P/V