Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16

(CL&CS) - Sáng 22/9, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI-16) với chủ đề “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” đã khai mạc. Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16

Hội nghị AMRI 16 là diễn đàn để các Bộ trưởng phụ trách về thông tin của các nước ASEAN thảo luận đưa ra định hướng và chỉ đạo thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực trong các lĩnh vực: Báo chí; phát thanh và truyền hình; internet (mạng xã hội, websites, truyền thông trên nền tảng internet) và nâng cao nhận thức về ASEAN.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ tuần lễ chuỗi sự kiện quốc tế về thông tin và truyền thông trong khu vực ASEAN được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đăng cai tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 19-23/9.

Tại sự kiện năm nay, Việt Nam lựa chọn chủ đề: “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” (“Media: From Information to Knowledge for a Resilient and Responsive ASEAN”) làm chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ nội dung nghị sự.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực thông tin và truyền thông của ASEAN đang nhận về mình sứ mệnh mới, đang chủ động mở ra không gian mới để cùng nhau góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng. Đó là sự thay đổi từ thông tin đến tri thức và sự thấu hiểu. Đi đầu trong sự chuyển dịch này và thành công trong sứ mệnh mới này sẽ chính là đóng góp của các nước ASEAN cho lĩnh vực thông tin và truyền thông của thế giới.

“Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần này sẽ cùng xem xét, thảo luận những thách thức và cơ hội của truyền thông số, định hướng cho truyền thông, định hướng cho hợp tác truyền thông của ASEAN trong những năm tới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 vừa qua đã đưa ra định hướng cho việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, phát triển tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm, có khả năng đón đầu các cơ hội, giải quyết những vấn đề mới nổi và các thách thức trong tương lai. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ củng cố bản sắc, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN. Trong tiến trình phát triển đó, cùng với những xu thế lớn của thời đại, hợp tác thông tin báo chí và truyền thông có vai trò quan trọng, nhằm gắn kết và lan tỏa các giá trị trong Cộng đồng ASEAN.

Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông, tăng cường kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, thế giới đang ở trong giai đoạn đầy biến động. Việc hợp tác thúc đẩy tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác dựa trên năng lực số; biến thông tin thành tri thức để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực là nhu cầu bức thiết hiện nay, ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN.

“Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thành viên, cùng các nước đối thoại, trao đổi và xác định các ưu tiên, định hướng hợp tác trong thời gian tới, chung tay thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nói và bày tỏ tin tưởng Hội nghị Bộ trưởng sẽ cùng chia sẻ, đưa ra những khuyến nghị có giá trị cho Cấp cao ASEAN; thống nhất được các chương trình hành động cụ thể, để tiếp tục khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của lĩnh vực thông tin trong tiến trình phát triển ASEAN; biến thông tin thành tri thức cho người dân, như chủ đề "Truyền thông: từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng".

Phó Chủ tịch nước cũng đề xuất Hội nghị quan tâm thảo luận một số giải pháp nhằm thúc đẩy vào chuyển đối số; nâng cao khả năng tiếp cận internet và kĩ năng số cho người dân; tăng cường quảng bá hình ảnh của ASEAN và các quốc gia thành viên; đẩy mạnh các thông tin chính thống, tích cực; xử lý tin giả, tin sai; quan tâm đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cơ sở để phục vụ người dân, đảm bảo tri thức được lan tỏa rộng khắp và không ai bị bỏ lại phía sau.

TIN LIÊN QUAN