Đồng hành, sẻ chia…
Phát biểu tại buổi Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2021 được NHNN tổ chức chiều ngày 12/10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong bối cạnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, hoạt động ngân hàng vẫn diễn ra an toàn, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và DN. Chính sách tiền tệ vẫn được NHNN điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”.
Tính đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020.
Trong điều hành lãi suất: Từ đầu năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 8/2021 tiếp tục giảm so với tháng 12/2020.
Cụ thể, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm mạnh và nhanh lãi suất điều hành phát tín hiệu cho lãi suất thị trường giảm trong năm và kéo dài sang năm 2021. Riêng tính từ đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7%, trong khi lãi suất huy động giảm 0,4%.
Theo báo cáo từ các TCTD, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng đạt khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 TCTD (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng được các TCTD đặc biệt quan tâm, số liệu được Phó Thống đốc đưa ra tại buổi họp báo cho thấy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, các TCTD đã dành khoảng 3.400 tỷ đồng để thực hiện các công tác an sinh, xã hội trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát. "Như vậy, cộng với tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng, thì các TCTD đã dành gần 31.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19"- Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ
Báo cáo của NHNN cho biết, đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đây là con số đáng mừng dù trong điều kiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhất là các địa phương trọng điểm như TP.HCM và Hà Nội.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, cụ thể: Đến cuối tháng 9/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP với số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động; tái cấp vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay Vietnam Airlines; tháo gỡ khó khăn cho thu mua, tiêu thụ lúa gạo, với dư nợ tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng, sau hơn 1 tháng các TCTD triển khai Công văn 5747/NHNN-TD.
Về kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN, Phó Thống đốc cho biết, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực cho biết, do tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng.
Trước các đề xuất nới điều kiện vay vốn để DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng sẽ không hạ chuẩn tín dụng bởi việc giảm chất lượng và điều kiện vay vốn sẽ không đảm bảo an toàn hệ thống.
"Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp đang thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do COVID-19, dành tối đa mọi nguồn lực hiện có, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát...", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định.
Tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt…
Với nhận định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế rủi ro khiến nhiều DN hạn chế vay mới và chấp nhận thu hẹp sản xuất, tạm dừng kinh doanh. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD. Dư địa chính sách tiền tệ, tín dụng ngày càng hạn hẹp trong điều kiện rủi ro lạm phát gia tăng và dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, quan điểm chung trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm thực hiện được mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.
Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đảm bảo thanh khoản ổn định trên thị trường tiền tệ; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo và giám sát việc TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
"Trước mắt NHNN tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện tại, đồng thời sẽ theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để điều hành lãi suất một cách phù hợp trong thời gian tới"- Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
NHNN cũng tiếp tục bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và quốc tế để triển khai các giải pháp kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đề ra, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho DN và người dân.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, trong 9 tháng năm 20201, hoạt động thanh toán và công nghệ ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN hoàn thiện nhằm phát triển TTKDTM, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện giao dịch thanh toán trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán được triển khai. Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12% . |