Kết quả kinh doanh năm 2020 và kế hoạch năm 2021 của KSB

(CL&CS) - 2020 là năm khó khăn của ngành xây dựng khi các công trình bị dừng hoặc giãn tiến độ do đại dịch Covid-19 (trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%), thế nhưng CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) đã hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.

Mỏ đá Tân Mỹ của KSB có diện tích được cấp phép 41ha, thời hạn khai thác đến năm 2029 với công suất 2,2 triệu m3/năm. (Ảnh: Bimico)

Năm vừa qua, KSB đạt 1.322 tỷ đồng doanh thu, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 763 tỷ đồng, giảm 21,5%; doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng ghi nhận một lần đạt 506 tỷ đồng, tăng 82,5%; doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng ghi nhận phân bổ theo thời gian cho thuê đạt 54 tỷ đồng, giảm 17%.

Trong lĩnh vực cốt lõi của công ty là đá xây dựng, KSB tiêu thụ được 4.202.275 m3, bằng 77,7% sản lượng của năm 2019. Cống bê tông cũng chỉ đạt 77,9% sản lượng (63.362m), cho thuê khu công nghiệp đạt 34,7% (15,8ha). Tuy nhiên, lĩnh vực sét gạch ngói và cao lanh đều tăng 19,1% (đạt 240.00m3) và 11,6% (đạt 70.044m3) so với năm trước.

Đánh giá về thực trạng này, ban lãnh đạo KSB chia sẻ: năm 2020, mảng đá xây dựng của công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các công trình xây dựng đều dừng hoặc giãn tiến độ. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ đá giảm khá nhiều so với năm 2019. Bên cạnh đó, giấy phép khai thác mỏ Tân Đông Hiệp hết hạn từ ngày 1/1/2020, nên trong năm 2020, sản lượng đá tiêu thụ từ mỏ này chủ yếu là phần đá dự trữ còn lại của năm 2019.

Đến 31/12/2020, KSB đang khai thác các mỏ Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo, Bình Dương), mỏ Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương), mỏ Thiện Tân 7 (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), mỏ Gò Trường (Thanh Hóa). Để bù đắp sản lượng thiếu hụt do đóng cửa mỏ Tân Đông Hiệp và duy trì mục tiêu tăng trưởng sản lượng đá trong tương lai, công ty đã tiến hành xin chủ trương cấp phép một số mỏ mới ở khu vực Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…

Trong năm 2020, KSB ký hợp đồng cho thuê 15,8ha khu công nghiệp. Hiện tại, khu công nghiệp đã cho thuê hết đất cho giai đoạn mở rộng và tiếp tục làm các thủ tục cần thiết để tiến hành giai đoạn 2 từ 340ha lên 553ha.

Kết thúc năm 2020, KSB ghi nhận 328 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 0,7% so với năm 2019. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 4.379 đồng. Công ty đang trình lên đại hội đồng cổ đông thường niên chi trả cổ tức bằng hình thức phát hành cổ phiếu, tỷ lệ 10%, tương đương 6.663.308 cổ phiếu.

Bên cạnh đó, KSB cũng trình đại hội việc phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau 2 đợt tăng phát hành này, vốn điều lệ của KSB tăng lên 766 tỷ đồng.

Năm 2021, công ty đặt kế hoạch 1.200 tỷ đồng doanh thu và 280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 90,7% và 85,4% năm 2020. Cổ tức sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và được trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.

Đóng cửa ngày 14/4, cổ phiếu KSB đạt 30.750 đồng/cổ phiếu, giảm 3,1% so với đầu năm. Trong năm 2020, cùng với sự tăng giá của thị trường chứng khoán, KSB đã tăng 124,2% sau 2 năm liên tiếp giảm mạnh.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của KSB được tổ chức vào ngày 20/4 sẽ trình việc giảm số lượng thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2017 - 2022 từ 7 thành viên xuống 5 thành viên sau khi ông Trần Ngọc Đính và ông Dương Ngọc Hải có đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT. Đại hội sẽ xem xét thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với 2 cá nhân trên kể từ thời điểm kết thúc đại hội đồng cổ đông ngày 20/4/2021.

TIN LIÊN QUAN