Với khoảng 6.000 gian hàng của 3.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ các tỉnh, thành phố và hơn 30 quốc gia trên thế giới có các mặt hàng TCMN tiêu biểu tham gia, thu hút hơn 130.000 lượt khách tham quan, giao dịch mua sắm, trong đó có trên 8.500 lượt nhà nhập khẩu, khách thương mại quốc tế tham gia các hoạt động kết nối giao thương, hàng nghìn hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn đã được giao dịch ký kết, các hội chợ đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng TCMN từ 6-8%/ năm.
Hiện trên địa bàn Thành phố tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176 nghìn hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, số lượng cơ cấu nhóm ngành nghề gồm các nhóm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; chế biến, bảo quản nông sản.
Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực…, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai, Nga và một số nước châu Á, Đông Nam Á.
Tham gia các hội chợ, triển lãm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ có nhiều cơ hội thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, mới sáng tạo đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu tại thị thường các nước EU, G7, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường. Đồng thời, giúp các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong và ngoài nước có cơ hội thuận lợi giao thương với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành TCMN của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm TCMN./.