Kenton Residences liệu có “chết” lần hai?

(NTD) - Sau gần 7 năm “đắp chiếu”, mới đây dự án Kenton Node (tên cũ Kenton Residences) được chủ đầu tư tái khởi động và được các ngân hàng “bơm” thêm hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thiện và vực dậy dự án. Tuy nhiên, thời điểm mà dự án tái khởi động và hồi sinh là lúc thị trường bất động sản đang chững lại. Vậy liệu Kenton Residences có thể gặp thất bại thêm lần nữa?

Với nguồn vốn được các ngân hàng bơm hàng ngàn tỷ đồng, liệu Kenton sẽ được "phục hưng"?

Kenton từng “chết” vì bong bóng bất động sản

Từng được mệnh danh là “thiên đường nhiệt đới” tại khu Nam Sài Gòn, tổ hợp Kenton Node (trước đây có tên là Kenton Residences) có tổng diện tích 9,1 ha, gồm 3 phân khu: Khu Plaza, khu Sky Villa và khu Residences, tổng cộng có 9 tòa nhà với 1.640 căn hộ. Dự án manh nha ý tưởng từ năm 2002 nhưng 7 năm sau thì Kenton Residences mới chính thức được Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên khởi công. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào thời điểm đó là 300 triệu USD, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Thế nhưng gần 7 năm trôi qua, dự án mà nhiều nhà quan sát cũng như giới kinh doanh bất động sản kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng mới tại khu Nam Sài Gòn vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Nhiều chuyên gia cũng như giới kinh doanh bất động sản cho rằng, sai lầm trong chiến lược kinh doanh đã “phá sản” kế hoạch đầy tham vọng của ông chủ dự án này. Thay vì đưa sản phẩm ra thị trường sớm hơn thì chủ đầu tư lại để xây xong tới tầng 9 mới công bố mở bán lần đầu tiên, nếu bán sớm hơn thì chủ đầu tư đã có thể “đẩy” được một lượng lớn căn hộ để có thêm tiền hoàn thiện dự án.

Khi thị trường bất động sản hồi phục trở lại, những dự án cùng chung số phận như Kenton tại khu vực Nam Sài Gòn trước đây đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động trong khi đó dự án Kenton vẫn nằm “bất động”. Theo các chuyên gia bất động sản, một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự trở lại của dự án Kenton là việc điều chỉnh thiết kế. Bởi trước đây phần lớn căn hộ của Kenton có tới 3 phòng ngủ với diện tích từ 125-139 m2. Chính điều này khiến chủ đầu tư đang bỏ lỡ cơ hội ra hàng trong đợt hồi sinh này.

Từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại do lệch pha cung - cầu nhất là trong phân khúc nhà ở cao cấp. Trong khi phân khúc bất động sản cao cấp đang có thanh khoản yếu ớt thì Công ty Tài Nguyên “hùng hồn” công bố tái khởi động dự án khiến giới bất động sản không khỏi bất ngờ.

“Việc chủ đầu tư chốt phương án để cứu Kenton vào thời điểm “hoàng hôn” của thị trường bất động sản nhất là phân khúc cao cấp xem ra hơi muộn màng” - một chuyên gia bất động sản chia sẻ.

Dự án Kenton Node đã từng "chết lâm sàn" trong gần 7 năm, đây là nguy cơ tâm lý khiến khách hàng ngần ngại mua căn hộ này.

Kenton sẽ “chết” lần hai?

Theo ông Vũ Anh Tâm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tài Nguyên, dự án bị gián đoạn một thời gian dài là do ảnh hưởng của thị trường bất động sản đóng băng kéo dài. Mới đây, dự án đã được điều chỉnh lại thiết kế và UBND TP.HCM đã đồng ý, ủng hộ đề xuất này. Việc các ngân hàng thẩm định và “bơm” thêm nguồn tài chính để chúng tôi hoàn thiện nốt phần còn lại của dự án là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của dự án Kenton Node và chúng tôi vững tin quay lại thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, việc chọn thời điểm hồi sinh những dự án chết là vô cùng quan trọng. Vì vậy, dự án Kenton Node tái khởi động lại trong bối cảnh thị trường không còn sốt nóng như hiện nay sẽ khiến chủ đầu tư có thể gặp không ít khó khăn.

Trước đó, vào tháng 1/2010, dự án Kenton chính thức được mở bán với 100 căn hộ của giai đoạn 1, giá bán từ 1.566-2.250 USD/m2 với 64 giao dịch thành công. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành phần thô, Công ty Tài Nguyên tiếp tục chào bán giai đoạn 2 với 178 căn hộ thuộc các block I2, G2, H2 thì cũng là lúc thị trường bất động sản bị đóng băng, từ đó đến nay dự án lại lâm vào cảnh “chết lâm sàn”.

Cũng theo các chuyên gia bất động sản, không phải dự án nào tái khởi động cũng thành công và bán được hàng, đặc biệt là những dự án có vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng như Kenton Node. Hơn nữa, so với nhiều dự án cùng phân khúc trên thị trường như các dự án của Phú Mỹ Hưng, Novaland... thì dự án Kenton đang đứng trước rất nhiều áp lực cạnh tranh. Đó là chưa kể vị trí xa trung tâm, nằm trên trục đường thường xuyên bị kẹt xe và giá bán được cho là quá cao (khoảng 40 triệu đồng/m2).

Việc tuyên bố quay trở lại thị trường căn hộ cao cấp thời điểm này sẽ gặp không ít khó khăn bởi có rất nhiều “đối thủ” của Kenton trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ như Sunrise City của Novaland hay một dự án của Quốc Cường Gia Lai sắp tới cũng được triển khai trên con đường này, chưa kể Nguyễn Hữu Thọ là cung đường cao ốc với hàng chục dự án đã và đang triển khai. Do đó, nếu thời điểm để “sống dậy” dự án không phù hợp thì e rằng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành bại của chủ đầu tư.

Theo các chuyên gia, một dự án chết đi thì để lại rất nhiều hậu quả nhất là đối với nợ ngân hàng, chưa kể đây là dự án rất lớn nên khi tái khởi động, chủ đầu tư phải cân nhắc việc thương lượng với các ông chủ ngân hàng tái cấp vốn để làm sao sản phẩm có giá bán vừa phải, dễ ra hàng, thay vì chôn vốn quá nhiều và quá lâu như hiện nay. Kenton đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để hồi sinh dự án.

Tấn Lợi

 
Nên đọc