Huyện thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam sẽ lên thị xã trước năm 2030

Theo kế hoạch, huyện sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng đô thị Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, hướng đến mục tiêu thành lập thị xã trước năm 2030.

Mới đây, tại huyện Đô Lương, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn 2045. 

Theo đó, Nghị quyết số 15-NQ/TU được ban hành ngày 19/5/2024 đề ra mục tiêu xây dựng Đô Lương trở thành một trung tâm kinh tế phát triển của tỉnh, kết nối các huyện miền Tây với TP. Vinh và khu kinh tế Đông Nam.

Trước đó, Đô Lương đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, với hạ tầng cơ bản được đầu tư và đời sống nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, huyện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Kinh tế phát triển ở mức trung bình, ngành công nghiệp còn phụ thuộc vào lĩnh vực truyền thống, và du lịch chưa được phát huy đúng mức.

Vị trí của huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An)

Nhằm giải quyết những hạn chế này, Nghị quyết số 15 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Đô Lương sẽ phát triển thành thị xã với cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao và hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm đạt từ 13-14%/năm, trong đó công nghiệp-xây dựng chiếm 48,45%, dịch vụ chiếm 40,05% và nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 11,5%. Thu nhập bình quân đầu người sẽ vượt mức trung bình của tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đạt 52%, và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%.

Tầm nhìn đến năm 2045, huyện Đô Lương phấn đấu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, đảm bảo an ninh quốc phòng và duy trì hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 04/09/2024, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động theo Quyết định 2324/QĐ-UBND. Tiếp đó, ngày 11/09/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đô Lương đã ban hành Chương trình hành động số 18-Ctr/HU với những giải pháp cụ thể, nhằm đẩy mạnh các đồ án quy hoạch và đề án phát triển đã được phê duyệt.

Cụ thể, huyện sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng đô thị Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, hướng đến mục tiêu thành lập thị xã trước năm 2030.

Huyện Đô Lương sẽ lên thị xã trước năm 2030

Huyện cũng đang xúc tiến lập phương án thành lập các phường để thực hiện theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 162/NQ-CP của Chính phủ trong đó, huyện sẽ hình thành ba vùng phát triển chiến lược:

1. Vùng Tây Bắc bao gồm các xã Ngọc Sơn, Lam Sơn (Bạch Ngọc), Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn và Bài Sơn với diện tích 92,84km2. Đây là vùng phát triển công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển nông nghiệp với vùng cây ăn quả, cây công nghiệp và dược liệu, đồng thời khai thác du lịch sinh thái gắn với hồ nước khoáng nóng Giang Sơn.

2. Vùng trung tâm gồm thị trấn Đô Lương và các xã lân cận với diện tích 96,56km2, định hướng phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp và công nghiệp với cụm công nghiệp Lạc Sơn. Nông nghiệp tập trung vào sản xuất lương thực sạch và phát triển du lịch văn hóa.

3. Vùng Đông Nam gồm các xã Trung Sơn, Thuận Sơn, Xuân Sơn, Tân Sơn, Minh Sơn và các xã khác với diện tích 165,09km2. Phát triển theo hướng công nghiệp hỗ trợ và chế biến hiện đại, lâm nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản.

Cùng với đó, ba hành lang giao thông quan trọng gồm Quốc lộ 46B, Quốc lộ 7C, và Quốc lộ 7A cũng sẽ được ưu tiên phát triển nhằm kết nối các khu vực kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của địa phương.

Ngoài phát triển hạ tầng, huyện Đô Lương sẽ thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, đặc biệt là cụm công nghiệp Thượng Sơn và Lạc Sơn, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến phát triển bền vững.

Huyện cũng đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử văn hóa như Truông Bồn và Đền Quả Sơn, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Đồng thời, nông nghiệp tiếp tục được phát triển theo hướng bền vững, với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Huyện sẽ tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, rộng 16.490km2, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, với vị trí địa lý chiến lược, giáp biên giới Lào và tiếp giáp Biển Đông. Trong những năm gần đây, Nghệ An đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài, tạo tiền đề cho những bước tiến xa hơn trong tương lai.