UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Vân Đồn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, tập trung hoàn chỉnh, xây dựng và cải tạo chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, xây dựng những khu đô thị mới. Giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thiện chất lượng hạ tầng đô thị, mở rộng khu vực nội thị giai đoạn trước.
Chương trình phát triển đô thị Vân Đồn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 nhằm mục tiêu xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là đô thị đồng bộ về hạ tầng, xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với bảo tồn địa hình, cảnh quan, bản sắc riêng, khai thác tốt, hiệu quả lợi thế riêng biệt về vị trí địa lý, môi trường tự nhiên. Phấn đấu đến năm 2025, đạt các tiêu chí đô thị loại III; đến năm 2030, thành lập TP. Vân Đồn và đạt các tiêu chí đô thị loại II.
Huyện Vân Đồn phấn đấu lên thành phố vào năm 2030
Các khu vực phát triển đô thị đã được cụ thể hóa trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, phê duyệt tại Quyết định 266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Khu kinh tế Vân Đồn được chia không gian phát triển thành 2 vùng (đảo Cái Bầu, quần đảo Vân Hải).
Đối với đảo Cái Bầu, tập trung phát triển các khu chức năng chính của đô thị và khu kinh tế. Đảo Cái Bầu phân chia thành vùng phía Đông (khu vực Cái Rồng), vùng phía Tây (khu vực sân bay Vân Đồn) và vùng phía Bắc (cảng Mũi Chùa - Vạn Hoa).
Còn quần đảo Vân Hải phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với bảo tồn cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học tại khu vực. Giới hạn phát triển dân cư ở một số đảo hiện có (Cảnh Cước, Trà Bản, Ngọc Vừng, cống Đông – cống Tây).
Về lộ trình phát triển, khu vực phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2025, hoàn chỉnh, xây dựng và cải tạo chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, xây dựng những dự án du lịch, khu đô thị mới, khu dân cư, tái định cư. Đầu tư kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị khu vực thị trấn Cái Rồng và xã Đông Xá, Hạ Long phấn đấu hoàn thành tiêu chuẩn thành lập phường.
Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng khung, tạo động lực phát triển đô thị. Từng bước nâng cao chất lượng đô thị nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại III đến năm 2025.
Tiếp đến, giai đoạn 2026-2030, hoàn thiện chất lượng hạ tầng đô thị, mở rộng khu vực nội thị giai đoạn trước; phát triển trọng điểm du lịch biển đảo Quan Lạn và Minh Châu, trong đó, phường Đoàn Kết ưu tiên đầu tư kết nối hạ tầng từ vùng lõi đô thị hiện hữu; phát triển trọng điểm du lịch biển đảo Quan Lạn và Minh Châu.
Xây dựng khu trung tâm hành chính mới đóng vai trò là trung tâm chính trị - thương mại - dịch vụ của đô thị. Tăng cường mạng lưới giao thông chính kết nối khu trung tâm đô thị; cải tạo chỉnh trang đô thị và tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn đô thị còn yếu của TP. Vân Đồn. Đầu tư xây dựng TP. Vân Đồn loại II, đạt tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị loại I đến năm 2030.
Định hướng giai đoạn 2031-2040, đầu tư nâng cấp chất lượng hạ tầng, mở rộng xây dựng các khu đô thị mới, khu thương mại, dịch vụ, kết nối hệ thống hạ tầng xã Đoàn Kết qua các xã Đài Xuyên, Vạn Yên. Hoàn thiện chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật xã đảo.
Để thực hiện, UBND tỉnh giao UBND huyện Vân Đồn chủ trì triển khai công bố Chương trình phát triển đô thị huyện Vân Đồn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, lưu trữ hồ sơ theo quy định; tổ chức lập kế hoạch, triển khai thực hiện và chỉ đạo thực hiện chương trình, dự án phát triển đô thị có trong danh mục định hướng phát triển trên địa bàn huyện; tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu để quản lý và thu hút đầu tư theo quy hoạch chung đã được duyệt.
Vân Đồn là huyện miền núi, hải đảo nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh, Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam; có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 2.171,33km2, trong đó diện tích mặt biển là 1.589,5km2, diện tích đất nổi là 581,83km2 được hợp thành bởi 2 quần đảo Kế Bào và Vân Hải.
Trước đây, huyện đảo được kết nối với đất liền qua cầu Vân Đồn. Vài năm gần đây, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (năm 2019) và tuyến Vân Đồn - Móng Cái (năm 2022) được đưa vào sử dụng đã làm giao thông trên đảo thuận tiện hơn. Hai cây cầu Cẩm Hải, Cẩm Tiên được xây dựng khiến việc đi từ Vân Đồn đến Hạ Long hay Móng Cái đều trở nên nhanh chóng. Không những thế, thời gian đi từ Vân Đồn đến Hà Nội cũng chỉ còn hơn 2 giờ.
Vân Đồn còn có nhiều bến cảng như Cái Rồng, Vạn Hoa, Quan Lan. Trong đó, bến cảng Cái Rồng có vị trí quan trọng về giao thông đường thủy, là cửa ngõ kết nối tới các tuyến đảo của 2 huyện Vân Đồn và Cô Tô. Để thay thế cho bến cảng truyền thống Cái Rồng đi các tuyến đảo, hồi đầu năm 2023, bến cảng cao cấp Ao Tiên được đưa vào sử dụng. Cảng có tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng, chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch đến các đảo trong huyện Vân Đồn và các điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long.
Ngoài cao tốc, bến cảng, huyện đảo phía đông Quảng Ninh còn có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư với tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng. Sân bay rộng 325ha được khởi công xây dựng vào năm 2015 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, cách trung tâm TP. Hạ Long khoảng 60km và nằm cạnh đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Như vậy, Vân Đồn là huyện đảo duy nhất tại Việt Nam có cao tốc, sân bay và cảng biển.