Hướng tới đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới

(CL&CS) - Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó, đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo để tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu. Đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới thật sự là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.

Hướng tới đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới 

Theo bà Hương, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó, đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công nghiệp hỗ trợ dù được quan tâm song vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), do năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc… và đóng vai trò chủ yếu chỉ là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%, đồng thời phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chính.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho hay, để ứng phó với làn sóng đổ bộ ô tô ngoại, Chính phủ cần xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác...

Việt Nam có thể hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa. Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ô tô tại 3 miền Bắc, Trung và Nam (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, việc thành lập trung tâm là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động chuyển theo hình thức xuất khẩu cao hơn thay vì gia công chủ yếu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước phát triển, dễ rà soát nguồn gốc, phục vụ ngành thời trang trong nước trước khi vươn ra thế giới…

Bên cạnh đó, các Trung tâm hỗ công nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.

Theo Cục Công nghiệp, xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và doanh nghiệp CNHT nói chung (theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị cho doanh nghiệp nội địa, đáp ứng các yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cục Công nghiệp đang tập trung hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghiệp cũng như phối hợp với các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và xúc tiến kết nối phát triển công nghiệp, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ xây dựng, công bố, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN